Đại đội B (Bravo), tiểu đoàn 3 trung đoàn 75 BĐQ/HK Somali 1993
I. LỜI GIỚI THIỆU
Trận đánh Mogadishu (Somali – Ngày của các chiến sĩ Biệt Động Quân), thường được biết qua câu chuyện Trực Thăng Black Hawk Bị Rơi (Black Hawk Down – đã được quay phim) là một phần trong hành quân Operation Gothic Serpent. Trận đánh này xẩy ra trong hai ngày 3, 4 tháng Mười năm 1993 ở Mogadishu, Somali, giữa các đơn vị Hoa Kỳ (Biệt Động Quân) được sự yểm trợ của các đơn vị Liên Hiệp Quốc đang hiện diện ở Somali (UNOSOM II) và quân tự vệ Somali trung thành với Mohamed Farrah Aidis. Dó cũng là một sự mở rộng trận nội chiến ở Somali, đã gia tăng cường độ kể từ năm 1991, đe dọa nạn đói khát trầm trọng cho quốc gia này (Somali). Liên Hiệp Quốc lúc mới qua Somali, lo việc cứu trợ nạn đói, rồi thay đổi nhiệm vụ thành lập một chế độ dân chủ, bảo vệ chính quyền mới lập ở Somali.
Nhân vật đứng giữa “kỳ đà cản mũi” là Aidid, từ chối hợp tác với Liên Hiệp Quốc. Một đơn vị đặc nhiệm Biệt Động Quân Hoa Kỳ được đưa vào Mogadishu để bắt giữ hai cấp chỉ huy của “Lãnh Chúa” Aidid, trong một buổi họp của họ trong thành phố. Biệt Động Quân hoàn thành nhiệm vụ, mục tiêu của cuộc hành quân, tuy nhiên BĐQ đã phải trả giá đắt cho chiến thắng này, trong trận đánh đẫm máu Mogadishu. Cuộc hành quân bắt đầu từ ngày 3 tháng Mười năm 1993 và dự trù kéo dài chỉ một tiếng đồng hồ. Không ngờ, quân tự vệ Somali kháng cự quyết liệt, kéo dài suốt đêm, và quân đội Liên Hiệp Quốc phải đưa thêm quân vào cứu nguy buổi sáng ngày 4 tháng Mười năm 1993.
Cuộc hành quân được soạn thảo với trận tấn công chớp nhoáng của đơn vị Biệt Động Quân được trực thăng võ trang yểm trợ. Không ngờ quân tự vệ Somali tập trung đông đảo bắn rơi hai trực thăng Sikorsky UH-60 Black Hawk. Biệt Động Quân vội vàng lập tuyến phòng thủ, bảo vệ hai trực thăng bị rơi (đó cũng là phần chính cho cuốn phim Black Hawk Down năm 2001). Quân tự vệ Somali kéo lại bao vậy và trận đánh kéo dài suốt đêm giữa BĐQ (bào vệ phi hành đoàn hai trực thăng Black Hawk bị rơi, trong đó đó hai quân biệt kích Delta đi theo trực thăng xâm nhập. Cả hai quân nhân biệt kích Delta tử trận và được ân thưởng huy chương Danh Dự - Medal of Honor) và quân tự vệ Somali. Sáng hôm sau, một đoàn xe Liên Hiệp Quốc, có chiến xa mở đường tiến vào khu vực hai trực thăng bị rơi cứu nguy các Biệt Động Quân sống sót.
Tổng kết tổn thất, quân đội Hoa Kỳ 19 tử trận, 73 bị thương (Biệt Động Quân, Phi hành đoàn trực thăng Black Hawk, hai quân nhân biệt kích Delta), 1 bị bắt, rơi hai trực thăng Black Hawk. Quân đội Malaysia 1 chết, 7 bị thương, và Pakistan 1 chết, 2 bị thương. Về phiá quân tự vệ Somali, con số tổn thất 315 chết, 812 bị thương (kể cả thường dân). Trận đánh Mogadishu làm chính quyền Hoa Kỳ thay đổi chính sách ngoại giao và cuối cùng rút ra khỏi đoàn quân chí nguyện Liên Hiệp Quốc. Việc rút quân đội Hoa Kỳ ra khỏi Somali (trong đạo quân Liên Hiệp Quốc) trở thành đề tài cho nhóm khủng bố Al Qaeda châm biếm, có thể họ đã huấn luyện nhóm tự vệ (ly khai, không hợp tác với chính quyền dân chủ) Somali. Sau trận đánh, các xác chết quân nhân Hoa Kỳ bị quân tự vệ Somali kéo lê ngoài đường phố, chiếu trên hệ thống truyền hình Hoa Kỳ, làm cho người dân Hoa Kỳ căm phẫn. Chuyện này gây ảnh hưởng sau đó, chính quyền Tổng Thống Clinton e ngại, không muốn đưa quân đội vào khu vực (Phi châu), kể cả vụ giết người tập thể (tiêu diệt, tàn sát) ở Rwanda (Rwanda Genocide), xẩy ra sau vụ Mogadishu sáu tháng.
II. CHUYỆN XẨY RA
Trong tháng Giêng năm 1991, Tổng Thống Somali Mohamed Siad Barre bị các nhóm chống đối đảo chính, đưa đến trận nội chiến Somali. Quân đội quốc gia Somali giải tán, các quân nhân kết lại thành những lực lượng điạ phương hoặc gia nhập các nhóm tự vệ. Nhóm nổi loạn chính yếu, lớn nhất trong thủ đô Mogadishu là nhóm Quốc Hội Thống Nhất Somali (USC), sau đó chia ra hai nhóm võ trang. Một nhóm do Ali Mahdi Muhammad chỉ huy, sau này sẽ lên làm tổng thống, nhóm thứ hai dưới quyền chỉ huy của Mohamed Farrah Aidid. Tổng cộng có tất cả bốn nhóm chống đối, tranh giành lẫn nhau nắm quyền cai trị (chính trị). Nhóm Quốc Hội Thống Nhất Somali (USC), Mặt Trận Dân Chủ Cứu Thế Somali (SSDF), Phong Trào Ái Quốc Somali (SPM), và Phong Trào Dân Chủ Somali (SDM). Một thỏa thuận ngừng bắn được ký kết trong tháng Sáu năm 1991, nhưng không bền vững (chẳng phe nào tuân theo… toàn là thứ dữ!). Nhóm thứ năm nổi lên, Phong Trào Quốc Gia Somali (SNM) tuyên bố độc lập trong khu vực tây bắc Somali vào cuối tháng Sáu. Nhóm mới SNM đổi tên khu vực chiếm đóng (không ai công nhận) là Lãnh Thổ Somali, và chọn lãnh tụ của họ Abdirahman Ahmed Ali Tuur làm Tổng Thống.
Trong tháng Chín năm 1991, chiến tranh gia tăng cường độ trong thủ đô Mogadishu, kéo dài qua tháng sau và lan rộng khắp nơi trong nước, gây thiệt hại 20.000 nhân mạng, chết hoặc bị thương, tính đến cuối năm. Trận nội chiến gây nên sự tàn phá, tiêu hủy nền nông nghiệp, trồng trọt, hoa mầu của đất nước Somali, kết qủa đưa đến nạn đói kém (chết đói) trên phần lớn quốc gia. Liên Hiệp Quốc bắt đầu đem thực phẩm vào Somali cứu trợ, ngăn ngừa nạn chết đói đang lan tràn khắp nơi ở Somali, nhưng số lượng lớn thực phẩm rơi vào tay các lãnh chúa địa phương, và họ trao đổi lấy vũ khí, súng đạn. Theo sự ước đoán số lượng thực phẩm mất mát lên đến 80%. Nạn đói kém làm cho 300.000 người chết, 1,5 triệu người khác sống lê lết, khắc khoải trong khoảng thời gian 1991-1992. Trong tháng Bẩy năm 1992, sau hiệp định ngừng bắn giữa các nhóm chống đối, Liên Hiệp Quốc gửi sang Somali 50 sĩ quan quốc tế để theo dõi vấn đề phân phát thực phẩm.
Chiến dịch Operation Provide Relief bắt đầu trong tháng Tám năm 1992, khi Tổng Thống Hoa Kỳ George H. W. Bush (Bush Bố) tuyên bố, phi cơ vận tải quân sự Hoa Kỳ sẽ yểm trợ các nỗ lực cứu trợ (cứu đói) của đạo quân Liên Hiệp Quốc ở Somali. Hoa Kỳ đưa mười (10) vận tải cơ C-130 (Hercule) cùng với 400 quân đến Mombasa, Kenya, để không vận thực phẩm, vật dụng cứu trợ nhanh chóng đến những khu vực xa xôi, hẻo lánh ở Somali, giảm bớt vấn đề vận chuyển bằng xe vận tải. Các phi cơ C-130 của Hoa Kỳ chuyên chở tất cả 48.000 tấn thực phẩm, thuốc men, dụng cụ y khoa, đồ cứu trợ cho các tổ chức cứu trợ nhân đạo quốc tế, cứu được hơn 3 triệu người dân Somali qua nạn đói.
Sau khi được biết, đã cứu thoát người dân Somali qua khỏi nạn đói (500.000 người chết, 1,5 triệu người tỵ nạn, bỏ làng đi tìm thức ăn), người Hoa Kỳ mở chiến dịch lớn, phối hợp với đạo quân Liên Hiệp Quốc, trợ giúp, bảo vệ các hoạt động nhân đạo (humanity - cứu trợ) trong tháng Mười Hai năm 1992. Chiến dịch này lấy tên là “Đem lại Niềm Tin” (Restore Hope). Quân đội Hoa Kỳ được trao nhiệm vụ chỉ huy tổng quát (thống nhất vấn đề chỉ huy), theo nghị quyết Resolution 794. Trong vòng hai tuần lễ, Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ đưa vào Mogadishu Đặc Nhiệm Thủy Bộ 15 gồm có tiểu đoàn 2, trung đoàn 9, tiểu đoàn 3 trung đoàn 11 TQLC, bảo vệ gần một phần ba (1/3) thành phố (lớn nhất ở Somali), hải cảng và phi trường, để dễ dàng việc cứu trợ người dân Somali. Các đơn vị trực thuộc tiểu đoàn 2/9 TQLC, phi đội HMLA-369 (trực thăng tấn công, phi đoàn 39, không đoàn 3 TQLC từ căn cứ Pendleton sang tham chiến). TQLC nhanh chóng thiết lập vòng đai an ninh những con đường đi (đến các thành phố lớn) Baidoa, Balidogle và Kismayo, sau đó được tăng cường sư đoàn 10 Sơn Cước, Lục Quân Hoa Kỳ.
III. VÀO CHUYỆN
Ngày 3 tháng Ba năm 1993, Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc, Boutros Boutros-Ghali đệ trình lên Hội Đồng Bảo An LHQ, sự khuyến cáo của ông ta sự chuyển tiếp từ Lực Lượng Đặc Nhiệm LHQ (UNITAF) sang Chiến Dịch Cứu Trợ Somali 2 (UNOSOM II) do kết qủa cùa nghị quyết Resolution 794, bảo vệ an ninh cho vấn đề cứu trợ nhân đạo. Vẫn chưa thấy dấu hiệu “hiệu qủa” của chính quyền mới ở Somali, cảnh sát, quân đội để bảo vệ công việc cứu trợ nhân đạo. Hội Đồng Bảo An LHQ chấp thuận cho UNOSOM II thiết lập nền an ninh trên toàn cõi Somali, làm nhiệm vụ hòa giải dân tộc, thiết lập chính quyền dân chủ cho Somalia.
Trong hội nghị Hòa Giải Dân Tộc Somalia tổ chức ngày 15 tháng Ba năm 1993 ở Addis Ababa (Ethiopia), tất cả 15 nhóm (lãnh chúa) đều đồng ý tái lập nền dân chủ và hòa bình cho đất nước. Tuy nhiên, trong vòng một tháng, đến tháng Năm 1993, mặc dầu đã ký tên vào bản hiệp định, nhóm Mohammed Farrah Aidid vẫn không thi hành theo bản hiệp định.
Aidid bắt đầu thông báo những bản tin đọc trên đài phát thanh Mogadishu, tuyên truyền chống Liên Hiệp Quốc, cho rằng LHQ lợi dụng danh nghĩa, uy tín ông ta để “Tái thiết Somalia”. Trung Tướng Cevik Birr ra lệnh cho đài phát thanh ngừng đọc bản tin. Ngày 5 tháng Sáu năm 1993, Aidid ra lệnh nhóm tự vệ SNA trung thành với ông ta tấn công một đơn vị Pakistan (trong đạo quân LHQ) đang làm nhiệm vụ thanh tra (điều tra) một kho vũ khí dấu trong đài phát thanh. Kết qủa quân đội Pakistan tổn thất 24 chết, 57 người khác bị thương. Số người bị thương có thêm 1 quân nhân Italy và 3 người Hoa Kỳ. Ngày 6 tháng Ba năm 1993, Hội Đồng Bảo An LHQ thông qua nghị quyết (giải pháp) 837, bắt giữ và đưa ra tòa án những người chịu trách nhiệm gây nên cái chết và bị thương cho đạo quân giữ hòa bình của LHQ.
Ngày 12 tháng Sáu, quân đội Hoa Kỳ bắt đầu lục soát các mục tiêu trong Mogadishu, tìm dấu vết “lãnh chúa” Aidid. Cuộc hành quân lục soát kéo dài đến ngày 16 tháng Sáu. Ngày 17 tháng Sáu, Đô Đốc Jonathan Howe treo giải thưởng 25.000 đô la cho người cung cấp tin tức để bắt giữ Aidid.
IV. TRẬN TẤN CÔNG ĐẪM MÁU HÔM THỨ HAI
Ngày 12 tháng Bẩy năm 1993, một cuộc hành quân do Hoa Kỳ lãnh đạo mà người Somali gọi là Ngày Thứ Hai Đẫm Máu (Bloody Monday). Một phần trong cuộc hành quân này nhằm bắt giữ hoặc giết Aidid, quân đội Hoa Kỳ tấn công một ngôi nhà trong thành phố Mogadishu, sau khi được mật báo viên cho biết, Aidid có mặt trong ngôi nhà để họp với mấy lãnh tụ bộ lạc sắc dân thiểu số. Lúc 10:18 phút sáng, trực thăng võ trang Cobra Hoa Kỳ bắn hỏa tiễn TOW (có thể xử dụng chống chiến xa), đại bác 20 ly vào mục tiêu (căn nhà). Cư dân trong ngôi nhà và lý do sự hiện diện của họ không được người Hoa Kỳ chấp thuận. Quân đội Hoa Kỳ cho rằng, đó là một buổi họp của “Ủy Ban Chiến Tranh” và họ đã hoàn tất nhiệm vụ. Theo lời phóng viên chiến tranh Hoa Kỳ Scott Peterson, một nhóm người già cả (bô lão) Somali đến ngôi nhà, bàn luận, tìm một giải pháp hòa bình, chấm dứt chiến tranh giữa quân tự vệ (của Aidid) và các đơn vị LHQ. Buổi họp này đã được đăng tải trên báo chí công cộng Somali trước đó một ngày, một buổi họp về chuyện hòa bình. Vụ này làm cho người Somali trở nên mất tin tưởng nơi người Hoa Kỳ.
Theo lời một nhân vật Somali sống sót, quân đội Hoa Kỳ giết chết 15 người sống sót (sau khi trực thăng Cobra đã bắn hỏa tiễn TOW, đại bác 20 ly vào căn nhà) bằng súng lục (Colt-45, bắn rất gần, như xử tử). Lời tố cáo này, cấp chỉ huy Hoa Kỳ chối bỏ. Người Hoa Kỳ nói rằng, quân trên bộ của họ chỉ ở tại mục tiêu chưa đến 10 phút, để thẩm định kết qủa trận bắn phá của trực thăng Cobra. Theo Ủy Ban Quốc Tế Hồng Thập Tự, 54 người Somali bị thiệt mạng, 161 người khác bị thương. Người Hoa Kỳ đưa ra con số ít hơn, trong đó không có “lãnh chúa” Aidid.
Cuộc hành quân này gây nên sự chết chóc gián tiếp cho bốn phóng viên báo chí: Dan Eldon, Hos Maina, Hansi Kraus, và Anthony Machria. Họ bị giết bởi đám “cướp” nổi điên khi đám này đến khu vực xẩy ra vụ “Thứ Hai Đẫm Máu” trước khi trận đánh Mogadishu xẩy ra. Nhóm Theo Dõi Nhân Quyền tuyên bố trận tấn công “gần như một vụ giết người tập thể”. Nhiều người cho rằng, trận tấn công của người Hoa Kỳ là một khúc quanh (lịch sử) làm cho người Somali đoàn kết chống Hoa Kỳ.
V. ĐƠN VỊ ĐẶC NHIỆM BIỆT ĐỘNG QUÂN
Ngày 8 tháng Tám năm 1993, nhóm tự vệ dưới quyền Aidid đặt bom điều khiển từ xa (remote control) làm nổ tung một xe quân đội Hoa Kỳ, giết chết bốn binh sĩ. Hai tuần sau, một qủa bom khác làm bị thương bẩy quân nhân. Để trả đũa, Tổng Thống Bill Clinton, chấp thuận đưa một đơn vị “đặc biệt” sang Somali, gồm có 400 quân nhân Biệt Động Quân và đơn vị chống khủng bố Delta.
Ngày 22 tháng Tám năm 1993, đơn vị “Đặc Biệt” đến Somali đặt dưới quyền chỉ huy của Thiếu Tướng William F. Garrison, tư lệnh các đơn vị Hành Quân Đặc Biệt Hỗn Hợp (JSOC), sau này có tên là Bộ Tư Lệnh Hành Quân Đặc Biệt. Đơn vị đặc biệt này gồm có:
- Đại đội B, tiểu đoàn 3, trung đoàn 75 Biệt Động Quân dưới quyền chỉ huy Đại Úy Michael D. Steele (Hoa Kỳ chỉ có một trung đoàn BĐQ)
- Phi đội C, phân đội 1 Hành Quân Đặc Biệt – Delta (1st SFOD-D) dưới quyền chỉ huy của Trung Tá Gary L. Harrell.
- Một phi đội 16 trực thăng thuộc tiểu đoàn 1, trung đoàn 160 Không Trợ Hành Quân Đặc Biệt (160th SOAR) bao gồm trực thăng MH-60 Black Hawk và AH/MH-6 Little Bird.
- Người Nhái Hải Quân (SEALs) Liên đoàn Tác Chiến Đặc Biệt Hải Quân (DEVGRU)
- Nhóm Cấp Cứu Không Quân và Điều Không thuộc phi đội 24 Chiến Thuật Đặc Biêt.
VI. TRƯỚC KHI TRỰC THĂNG BLACK HAWK BỊ BẮN RƠI
Ngày 25 tháng Chín năm 1993, một tuần trước khi vụ “Trực Thăng Black Hawk Bị Bắn Rơi” xẩy ra (trận đánh Mogadishu), quân tự vệ Aidid (dưới quyền chỉ huy của Aidid) dùng súng B-40 bắn rơi một trực thăng Black Hawk gần hải cảng New Port ở Mogadishu. Trực thăng này biệt phái làm việc cho sư đoàn 101 Nhẩy Dù Hoa Kỳ, cả ba người phi hành đoàn đều thiệt mạng. Đó là chiếc trực thăng Hoa Kỳ đầu tiên bị bắn rơi ở Mogadishu, làm cho quân tự vệ lên tinh thần.
Quân số cũng như tổ chức quân tự vệ Somali tham dự trận đánh, không được biết rõ. Tóm tắt, họ có khoảng từ 2000 đến 4000 quân, đa số nằm trong tổ chức của Aidid danh xưng là Liên Minh Quốc Gia Somali (SNA), chiến đấu chống Hoa Kỳ từ ngày 12 tháng Bẩy năm 1993.
Liên Minh Quốc Gia Somali (SNA) được thành lập ngày 14 tháng Tám năm 1992. Khởi thủy từ nhóm tự vệ Quốc Hội Thống Nhất Somali (USC) dưới quyền chỉ huy của Aidid. Trong thời gian chiến dịch Operation Gothic Serpent, nhóm SNA bao gồm nhóm Phong Trào Aí Quốc Somali dưới quyền Đại Tá Omar Gess, nhóm Phong Trào Dân Chủ Somali (kết hợp hai nhóm Digil và Mirifleh, và nhóm mới thành lập Phong Trào Quốc Gia Somali Phuơng Nam.
Sau khi kết hợp, Liên Minh Quốc Gia Somali (SNA) tấn công nhóm tự vệ Hawadle Hawiye đang kiểm soát khu vực hải cảng Mogadishu. Kết qủa nhóm này phải rút lui ra nơi khác để cho SNA quyền kiểm soát khu vực hải cảng.
VII. SOẠN THẢO KẾ HOẠCH (lệnh hành quân)
Ngày 3 tháng Mười năm 1993, đơn vị hành quân đặc biệt gồm có đại đội B (Bravo), tiểu đoàn 3, trung đoàn 75 Biệt Động Quân, đơn vị chống khủng bố Delta, và tiểu đoàn Không Trợ 160 được trao nhiệm vụ bắt sống “Bộ Trưởng Ngoại Giao” của Aidid, Omar Salad Elmim, và viên cố vấn chính trị Mohamed Hassan Awale.
Theo kế hoạch, đơn vị Delta sẽ tấn công mục tiêu, một cao ốc (dinh thự) xử dụng trực thăng nhỏ Little Bird MH-6, và làm thành phần an ninh mục tiêu bên trong cao ốc. Bốn trung đội Biệt Động Quân dưới quyền Đại Úy Michael D. Steele sẽ tụt xuống từ trực thăng Black Hawk MH-60 bằng dây Thụy Sĩ. Nhiệm vụ của BĐQ trấn đóng bốn góc, chu vi cao ốc, không cho địch bỏ chạy hoặc tăng cường từ bên ngoài vào.
Một đoàn xe chín chiếc chở quân M939 (5 tấn) dưới quyền Trung Tá Danny McKnight sẽ di chuyển đến sau, tấn công vào cao ốc, bắt tù binh đem về căn cứ. Đó là một cuộc hành quân chớp nhoáng, dự trù kéo dài khoảng 30 phút.
Đoàn xe dự trù sẽ đến mục tiêu sau vài phút, sau khi trận đánh bắt đầu (biệt động quân và quân biệt kích Delta đã xâm nhập vào mục tiêu). Nhưng đoàn xe này bị đình trệ vì người (thường dân) Somali cùng với quân tự vệ đặt chướng ngại vật dọc theo đường Mogadishu với gạch đá, vật liệu phế thải, vỏ xe cháy,… Quân tự vệ SNA kêu gọi người dân Somali “Hãy ra đường, bảo vệ nhà cửa của bạn…”
VIII. TRẬN TẤN CÔNG
Lúc 13:50 phút, các phân tích gia đặc nhiệm Biệt Động Quân nhận được tin báo cho biết vị trí của Salah (“bộ trưởng” ngoại giao của Aidid). Các quân nhân trong đơn vị, đoàn xe, và trực thăng chở quân chuẩn bị ứng chiến, sẵn sàng lên đường. Tất cả chờ đợi mật khẩu “Irene” trên tần số liên lạc truyền tin, ra lệnh cho các trực thăng chở quân biệt kích Delta và Biệt Động Quân cất cánh, hướng về mục tiêu.
Đúng 15:42 phút, mật hiệu “Irene” được ban ra trên hệ thống truyền tin, trực thăng MH-6 Little Bird chở quân biệt kích Delta đến mục tiêu. Không ngờ bụi, đất bay lên mù mịt làm một trực thăng phải bay vòng và đáp không đúng vị trí. Tiếp theo, hai trực thăng Black Hawk chở toán Delta thứ hai dưới quyền Đại Úy Austin S. Miller bay vào mục tiêu. Đồng thời, Biệt Động Quân chuẩn bị tụt xuống nơi bốn góc của cao ốc bằng dây Thụy Sĩ. Trung đội BĐQ thứ tư trên Black Hawk danh hiệu Super 67, do Chuẩn Úy Jeff Niklaus lái, bay qúa mục tiêu một con đường (block). Bị lộ, chiếc trực thăng bị địch bắn vào xối xả bằng đủ loại súng.
Đoàn xe chở quân tấn công đến mục tiêu chậm mất 10 phút gần mục tiêu, khách sạn Hotel Olympic, chờ cho Delta và BĐQ làm xong nhiệm vụ mới tiến vào. Trong giai đoạn 1 (Delta, BĐQ), Binh Nhất Todd Blackburn bị rơi ra ngoài (ra khỏi sợi dây Thụy Sĩ), khi chiếc Super 67 bay dừng lại cách mặt đất khoảng 70 bộ (21m), Blackburn bi thương nơi đầu, yêu cầu được di tản do ba xe Jeep Humvee dưói quyền Trung Sĩ Jeff Struecker. Trên đường đưa Blackburn về lại căn cứ xuất phát, Trung Sĩ Dominick Pilla đi trên xe bị trúng đạn vào đầu, chết tức khắc. Ba chiếc Humvee về đến căn cứ đầy lỗ đạn, khói đen bốc ra vì bị trúng đạn hư hại.
CHIẾC BLACKHAWK ĐẦU TIÊN BỊ RƠI
Lúc 16:20 phút , một trong những trực thăng Black Hawk, danh hiệu Super 61 do hai Chuẩn Úy Cliff “Elvis” Wolcott và Donovan “Bull” Briley lái bị bắn rơi bằng súng phóng hỏa tiễn B-40 (trong bài viết nói RPG-7). Cả hai viên phi công đều tử trận, hai nhân viên cơ khí Trung Sĩ Ray Dowdy và Charlie Warren bị thương nặng. Hai quân nhân biệt kích Delta (chuyên viên bắn tỉa) Trung Sĩ Daniel Busch và Jim Smith sống sót, lập tức phải bảo vệ chiếc trực thăng bị rơi.
Một trực thăng MH-6 Little Bird, danh hiệu Star 41 do hai Chuẩn Úy Karl Maier và Keith Jones đáp xuống gần đó. Jones chạy lại cõng Busch qua phiá an toàn của chiếc trực thăng (bị rơi), trong khi Maier ngồi lại trên trực thăng bắn che cho bạn. Cả hai viên phi công MH-6 rất can đảm, Maier từ chối không chịu cất cánh bay ra khỏi khu vực nguy hiểm khi phi công phụ (Jones) chưa lên trực thăng. Các loạt đạn Maier bắn ra, có viên gần trúng Thiếu Úy Tom DiTomasso trung đội trưởng, trung đội 1 BĐQ đem theo Delta để bảo vệ khu vực chiếc trực thăng Black Hawk bị rơi. Jones và Maier di tản đưọc Busch và Smith về căn cứ, Busch sau đó chết vì vết thương quá nặng, trúng bốn viên đạn AK-47 trong lúc bảo vệ khu vực chiếc trực thăng bị rơi.
Một toán tìm kiếm cấp cứu (Search and Rescue – CSAR) do Đại Úy đơn vị Delta Bill J. Coultrup chỉ huy, Thượng Sĩ Scott C. Fales, và Trung Sĩ Kỹ Thuật Không Quân Timothy A. Wilkinson, tụt xuống thật nhanh bằng dây Thụy Sĩ nơi chiếc Super 61 bị rơi. Chiếc trực thăng chở họ danh hiệu Super 68 do Chuẩn Úy Dan Jollota và Thiếu Tá Herb Rodriguez lái bị trúng nhiều đạn, bay lết về đến căn cứ an toàn. Toán cấp cứu tìm thấy hai viên phi công đã chết và hai nhân viên cơ khí bị thương bên trong chiếc trực thăng. Dưới hỏa lực mạnh mẽ của địch, họ di chuyển hai người bị thương đến một điểm an toàn để “thâu hồi”. Họ gỡ những gì có thể lấy được từ xác trực thăng Super 61 che chở cho chổ tạm trú.
Thêm vấn đề liên lạc hàng ngang gặp trở ngại giữa đoàn xe chở quân và đơn vị làm nhiệm vụ tấn công. Đơn vị tấn công và đoàn xe chờ 20 phút mới nhận được lệnh di chuyển (tấn công). Cả hai nhầm lẫn, đơn vị này chờ đơn vị kia liên lạc trước.
CHIẾC BLACK HAWK THỨ HAI BỊ RƠI
Trong thời gian chờ đợi, một trực thăng Black Hawk thứ hai, danh hiệu Super 64 do phi công Michael Durant lái bị bắn rơi bằng B-40 khỏang 16:40 phút chiều. Lúc đó phần lớn đơn vị tấn công đã được lệnh tiến đến vị trí chiếc trực thăng thứ nhất bị rơi để tiếp cứu quân bạn. Khi đến vị trí trực thăng rơi, khoảng 90 Biệt Động Quân, biệt kích Delta bị hỏa lực của địch đàn áp. Mặc dầu được không yểm (trực thăng võ trang), đơn vị tấn công vẫn bị số quân đông đảo của địch bao vây, tấn công liên tục. Số người bị thương tăng lên nhanh chóng, BĐQ phải di chuyển thương binh vào mấy căn nhà của dân gần đó để tránh đạn.
Tại vị trí trực thăng thứ hai bị rơi, hai chuyên viên bắn tỉa Delta, Thượng Sĩ Gary Gordon và Trung Sĩ Nhất Randy Shughart được trực thăng danh hiệu Super 62 do phi công Mike Goffena và Jim Yacone lái, đưa vào. Hai quân nhân Delta can đảm, xin (tình nguyện) vào hai lần bị từ chối, đến lần thứ ba mới được. Họ bắn gục nhiều “tên cướp” Somali định xông vào cướp phá bắn giết chiếc trực thnăg thứ hai bị rơi. Trên bầu trời, chiếc Super 62 vẫn tiếp tục bay bao vùng yểm trợ cho hai quân nhân biệt kích Delta, cho đến khi trúng nhiều đạn phải bay về căn cứ.
Khi Thượng Sĩ Gordon trúng đạn tử trận, Shughart lấy khẩu CAR-15 của Gordon trao cho Durant (phi công lái Super 64, chiếc thứ hai bị bắn rơi). Cuối cùng, người sống sót duy nhất Durant bị đám cướp tràn ngập đánh hội đồng gần chết, cho đến khi quân tự vệ Aidid vào đến cứu, bắt sống làm tù binh. Cả hai anh hùng biệt kích Delta Gordon và Shughart được ân thưởng huy chương danh dự cao quý nhất của Hoa Kỳ, Tổng Thống gắn lần đầu tiên sau trận chiến tranh Việt Nam.
Trong khi đó, tại vị trí trực thăng thứ nhất bị rơi, trực thăng võ trang AH-6J Little Bird trang bị hồng ngoại tuyến yểm trợ hữu hiệu cho Biệt Động Quân đẩy lui các đợt tấn công của địch.
ĐOÀN XE TIẾP VIỆN ĐẾN
Một đoàn xe chở quân tiếp viện từ đơn vị Đặc Nhiệm 2-14 Bộ Binh, sư đoàn 10 Sơn Cước, cùng với đơn vị Malaysia, trung đoàn Biên Giới Pakistan trong đạo quân Liên Hiệp Quốc vào đến vị trí chiếc trực thăng thứ nhất rơi khoảng 02:00 giờ sáng. Trận đánh chính thức kết thúc lúc 06:30 sáng ngày thứ Hai 4 thángMười năm 1993. Đoàn xe Liên Hiệp Quốc về đến căn cứ an toàn, tuy nhiên một toán BĐQ, Delta không có chỗ chứa trên xe, nên họ phải đi bộ đến một điểm hẹn trên đường National. Đoạn đường này được đặt tên là “Dặm Đường Mogadishu”.
HẬU SỰ
Sau khi trận đánh kết thúc, xác chết quân nhân Hoa Kỳ trong chiếc trực thăng bị rơi Super 64, BĐQ, quân nhân Delta (Thượng Sĩ Gordon, Trung Sĩ Nhất Shughart) bị đám cướp Somali kéo lê lết trên đường phố Mogadishu. Qua sự thương lượng giữa Đặc Sứ Hoa Kỳ ở Somalia và lãnh tụ đám cướp Habar Gidir, các tử thi người Hoa Kỳ được trao trả đưa về Hoa Kỳ an táng. Viên phi công lái chiếc thứ hai bị rơi, Michael Durant được trao trả sau 11 ngày bị giam cầm. Nơi bãi biển gần căn cứ, một bức tượng khắc tên những quân nhân tử trận được dựng lên trong niềm thương tiếc…
Theo tài liệu: https://en.wikipedia.org/wiki/Battle_of_Mogadishu_(1993) downloaded 09/16/2021 at 4:31PM
Fort Hays State University
Department of Computer Science
Dallas, Texas 09/17/2021
vđh
No comments:
Post a Comment