Lịch
sử cho thấy, từ trên tang thương chết chóc, chiến tranh cũng đã mở ra
một sinh lộ khác cho nhiều dân tộc. Nếu không có Thế Chiến Thứ Nhất, Đế
Quốc Ottoman có thể còn tồn tại không biết bao lâu và các quốc gia như
Tiệp Khắc, Ba Lan, Albania, Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia, Estonia, Latvia
v.v… chưa hẳn đã có mặt trên bản đồ thế giới.
Thế
giới từ đó đã thay đổi quá nhanh và quá nhiều. Khoa học kỹ thuật đã
bước một bước dài. Trái đất mỗi ngày một nhỏ lại vì dân số tăng nhanh,
tuổi thọ kéo dài và tử vong do bịnh tật giảm.
Gần
hai phần ba dân số thế giới đang cư ngụ tại Á Châu. Trục văn minh phát
triển và cả mầm mống của những xung đột đang sinh sôi nảy nở ở Á Châu.
Đầu thế kỷ 20, Trung Quốc còn là một nước chậm tiến, nhưng hiện nay là
một đế quốc độc tài, chuyên chế đầy tham vọng và đang đe dọa chủ quyền
của nhiều nước chung quanh.
Sự
trổi dậy của một quốc gia không phải là điều đáng lo ngại vì trong lịch
sử nhân loại đã có nhiều quốc gia trổi dậy bên cạnh nhiều đế quốc suy
tàn. Những quốc gia như Iran đang chịu đựng sự hà khắc tôn giáo hay Iraq
đang sống trong khủng bố hàng ngày một thời là những đế quốc văn minh
và cường thịnh.
Tuy nhiên sự
trổi dậy của Trung Cộng thì khác. Giới cầm quyền tại Trung Cộng từ Đặng
Tiểu Bình tới Tập Cận Bình giương cao ngọn cờ “mối hận một trăm năm sỉ
nhục” giống như Hitler vận dụng “hiệp ước bất bình đẳng Versailles”
nhưng ở mức độ cao hơn nhiều lần và do đó tai họa trầm trọng hơn nhiều
lần.
Dân số Đức khi Thế Chiến
Thứ Hai bùng nổ là 79 triệu trong khi dân số Trung Cộng năm 2019 là 1428
triệu. Lý thuyết quân sự của Hitler là tấn công “chớp nhoáng”
(Blitzkrieg) để ít tiêu hao trong khi Trung Cộng dùng chiến thuật “lấy
thịt đè người” làm điểm mạnh.
David
M. Finkelstein trong nghiên cứu Chiến Lược Quân Sự Quốc Gia Của Trung
Quốc (China’s National Military Strategy) tổng kết ba mục tiêu của Trung
Cộng theo thứ tự: (1) bảo vệ đảng và bảo vệ ổn định, (2) bảo vệ chủ
quyền và chống lại sự xâm lược, và (3) hiện đại hóa quân đội và xây dựng
quốc gia. Trong số ba mục tiêu trên “bảo vệ đảng” đứng đầu.
Quan
điểm về “bảo vệ chủ quyền” của Trung Cộng, cũng theo David M.
Finkelstein, không chỉ chủ quyền trên lục địa Trung Quốc mà bao gồm cả
khu vực mà giới cai trị Trung Cộng gọi là “Biển Nam Trung Hoa lịch sử”.
Tham
vọng là một chuyện, thực hiện được tham vọng là chuyện khác. Muốn thống
trị Á Châu, Trung Cộng phải vượt qua được Mỹ về kinh tế và nhất là kỹ
thuật chiến tranh.
Hầu hết các
nhà nghiên cứu và phân tích quốc phòng đều đồng ý về kỹ thuật chiến
tranh Trung Cộng còn thua quá xa Hoa Kỳ. “Thua quá xa” là bao nhiêu tùy
thuộc vào thể loại vũ khí và các mẫu dữ kiện dùng để phân tích của mỗi
nhà nghiên cứu.
Chẳng hạn, theo
nghiên cứu về sức mạnh nguyên tử của Trung Cộng 2019 (Chinese nuclear
forces, 2019) của Hans M. Kristensen, Giám đốc Đề Án Thông Tin Nguyên Tử
thuộc Liên Đoàn Khoa Học Gia Hoa Kỳ (Director of the Nuclear
Information Project with the Federation of American Scientists), nếu chỉ
tính đầu đạn nguyên tử, Mỹ hiện có 5,800 đầu đạn trong lúc Trung Cộng
chỉ có 290 đầu đạn. Trung Cộng không ngừng gia tăng sản xuất vũ khí
nguyên tử với hy vọng mười năm nữa trong kho sẽ có từ 400 đến 500 đầu
đạn.
Bài học Chiến Tranh Triều
Tiên cho các nhà chiến lược Mỹ thấy không thể ngăn chận sức tấn công
biển người của Trung Cộng trong chiến tranh quy ước. Để đánh bại Trung
Cộng, chiến tranh hạt nhân phải được đặt ra. Thật ra ngay cả trong chiến
tranh Triều Tiên, đối diện với chiến thuật biển người của Trung Cộng,
việc sử dụng bom nguyên tử cũng đã được nghĩ tới mặc dù Thống tướng
Douglas MacArthur chưa bao giờ chính thức yêu cầu.
Bất
cứ chuyện gì cũng có thể xảy ra từ thời điểm này cho đến khi Trung Cộng
công khai thách thức Mỹ về quân sự. Các bài học lịch sử cho thấy một
biến cố nhỏ có thể khơi mào cho một cuộc xung đột chiến tranh lớn.
Tuần
rồi Trung Cộng bắn hai hỏa tiễn vào Biển Đông như một cách để trả đũa
việc máy bay thám thính U-2 của Mỹ bay trong khu vực Trung Cộng gọi là
“vùng cấm bay quân sự” (No-fly zone). Hai hỏa tiễn, một DF-26 có tầm xa
4,000 km và một DF-21 có tầm xa khoảng 1,800 km. Cả hai rơi vô hại trong
khu vực giữa Hoàng Sa và Hải Nam.
Khi
đọc bản tin Trung Quốc bắn cảnh cáo người viết thầm ước phải chi xạ thủ
Trung Cộng lỡ tay bắn lạc về hướng của một trong những khu trục hạm
nguyên tử của Mỹ như USS Barry, USS Mustin, USS Rafael hay bắn lạc vào
hướng của hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan đang tuần tra khu vực Tây
Thái Bình Dương hoặc USS Nimitz đang tuần tra khu vực Đông Thái Bình
Dương.
Bộ Tư Lịnh Không Lực Thái
Bình Dương Hoa Kỳ (US Pacific Air Forces) xác nhận U-2 có bay nhưng
không vi phạm luật quốc tế nào và sẽ tiếp tục bay. Bản thông cáo báo chí
viết: “Một chuyến bay của U-2 đã được tiến hành trong khu vực hoạt động
của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và trong khuôn khổ các quy tắc và quy
định quốc tế được chấp nhận. Không Lực Thái Bình Dương sẽ tiếp tục bay
và hoạt động ở bất kỳ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép, vào thời điểm
và nhịp độ do chúng tôi lựa chọn."
Chiến
tranh Châu Á bùng nổ một cách đột biến, ngoài dự tính và không chuẩn bị
của các bên là giải pháp nhanh gọn và là con đường ngắn nhất để chận
đứng tham vọng bành trướng của Tập Cận Bình trên Biển Đông.
Tại sao?
Bởi
vì mười năm hay hai chục năm nữa hệ thống quốc phòng của CSVN,
Philippines, Mã Lai hay các nước nhỏ quanh Trung Cộng cũng không thay
đổi và cho dù có cải tiến cũng chẳng làm mới được bao nhiêu.
Tuy
nhiên, một năm đối với Trung Cộng là một bước thay đổi lớn. Giống như
Hitler chạy đua với thời gian từ 1935 đến 1939 để đưa quân số Đức từ một
trăm ngàn lên đến hơn bốn triệu, Tập Cận Bình chủ trương hiện đại hóa
quốc phòng bằng mọi cách kể cả tung gián điệp để mua chuộc những kẻ ham
tiền hay bần tiện hơn là ăn cắp.
Nhật
Bản và Hoa Kỳ, trong lãnh vực an ninh và quốc phòng, đang gần nhau hơn
bao giờ hết. Xung đột biên giới giữa Ấn Độ và Trung Cộng đang diễn ra
không chỉ còn trong bàn hội nghị mà cả ngoài mặt trận. Vòng vây Trung
Cộng mỗi thời kỳ thêm siết chặt nhưng sẽ rất chậm vì các quan hệ kinh tế
thương mại chồng chéo lên nhau.
Chiến tranh bùng nổ
dù là chiến tranh giới hạn, các nước nhỏ trong vùng cũng sẽ không thể
tiếp tục chính sách “đu dây”, “bắt cá hai tay” hay “trung lập” mà buộc
phải chọn một bên. Các chế độ độc tài, nhu nhược, đi ngược với quyền lợi
sống còn của dân tộc sẽ bị nhân dân lật đổ. Vì quyền lợi hậu chiến các
nước phát triển sẽ đóng vai trò tích cực hơn trong việc nhổ cây đinh
Trung Cộng hay ít nhất đẩy Trung Cộng trở vào lục địa.
Giới
cầm quyền Trung Cộng khi đó sẽ đứng trước viễn ảnh bị vỡ nát theo một
cuộc chiến tranh toàn diện hay thỏa hiệp để bảo vệ lục địa. Nếu chọn lựa
bảo vệ lục địa, nhiệm vụ bảo vệ đảng của quân đội sẽ quan trọng hơn bảo
vệ chủ quyền trên các hải đảo xa xôi. Các “status quo” dưới hình thức
đảo nhân tạo do Trung Cộng đơn phương thiết lập sẽ bị tháo gỡ.
Đó
là những viễn ảnh đầy lý tưởng. Đưa ra những hình ảnh lạc quan không
phải để rồi đắp chiếu ngủ chờ ngày mai trời sẽ sáng, Trung Cộng sẽ sụp
đổ, đảng CS sẽ bước xuống nhưng để cùng nhau nỗ lực để đưa đất nước ra
khỏi chế độ độc tài CS mở đường hội nhập vào dòng sống dân chủ văn minh
của nhân loại và thời đại.
Con đường trước mặt rất gian nan nhưng sẽ rất vinh quang.
Trần Trung Đạo
Viết lần đầu 3 tháng 9, 2020
No comments:
Post a Comment