Sunday, September 19, 2021

HÀNH QUÂN MÓNG VUỐT ĐẠI BÀNG

I. LỜI GIỚI THIỆU

        Hành quân Móng Vuốt Đại Bàng (Eagle Claw) được người Iran gọi là hành quân Tabas (Persianعملیات طبس‎) là cuộc hành quân theo lệnh Tổng Thống Hoa Kỳ Jimmy Carter, giải cứu 52 nhân viên tòa đại sứ Hoa Kỳ ở Iran bị người Iran bắt giữ làm con tin ngày 24 tháng Tư năm 1980, sau khi Quốc Vương (the Shah) Pahlavi bị lật đổ, chạy qua Pháp.

        Đó là chuyến hành quân đầu tiên do đơn vị biệt kích Delta (đặc biệt chống khủng bố) đảm trách, gặp nhiều trở ngại và thất bại, phải hủy bỏ cuộc hành quân. Tám trực thăng RH-53 (Sea Stallion - loại tối tân nhất vào thời điểm đó) được gửi lên “điểm tập trung” (tuyến xuất phát) thứ nhất đặt tên là Sa Mạc 1 (Desert One), nhưng khi đến nơi, chỉ có năm chiếc sẵn sàng, đủ điều kiện (máy móc, cơ khí, kỹ thuật…) tham dự cuộc hành quân. Một chiếc bị trở ngại kỹ thuật, chiếc thứ hai bị trận bão cát (kỹ thuật), và chiếc thứ ba có dấu hiệu cánh quạt bị nứt, có thể gẫy. Trong thời gian soạn thảo kế hoạch hành quân, nếu số trực thăng tham dự hành quân ít hơn sáu chiếc, cuộc hành quân phải hủy bỏ (không đủ để đưa quân biệt kích, con tin, người bị thương… đi hành quân), mặc dầu con số trực thăng cần thiết tối thiểu (ít nhất) là bốn. Với sự quyết định mà vẫn còn gây tranh luận trong giới quân nhân và những người nghiên cứu quân sử, cấp chỉ huy chiến trường (khu vực Trung Đông) cố vấn Tổng Thống Carter hủy bỏ cuộc hành quân, và ông ta đã nghe theo.

                Khi các đơn vị (biệt kích Delta) sửa soạn triệt thoái ra khỏi tuyến xuất phát Sa Mạc 1, một trong những trực thăng còn lại, bay đâm vào phi cơ vận tải chở quân biệt kích và nhiên liệu phi cơ (mới đủ xăng bay về - ra hàng không mẫu hạm đậu ngoài khơi vịnh Ba Tư (Persian Gulf, hay qua Ai Cập). Cả hai trực thăng và phi cơ vận tải nổ bùng lên làm chết tám quân nhân Hoa Kỳ (đa số phi công, nhân viên phi hành của hai chiếc máy bay).

         Trước bối cảnh “cách mạng” lật đổ chế độ quân chủ, lãnh tụ mới của Iran là giáo sĩ Ayatollah Ruhollah Khomeini cho rằng cuộc hành quân đó (Móng Vuốt Đại Bàng) đã bị Thượng Đế ngăn cản, đưa đến sự thất bại của người Hoa Kỳ để bảo vệ đất nước Iran và chính quyền mới, Hồi Giáo bảo thủ. Tổng Thống Jimmy Carter đổ lỗi cho việc thất cử Tổng Thống năm 1980 (Ronald Reagan) là vụ thất bại giải cứu con tin ở Iran.

II. LÝ DO XỬ DỤNG QUÂN ĐỘI

        Ngày 4 tháng Mười Một năm 1979, 52 nhân viên ngoại giao, công dân Hoa Kỳ bị bắt giữ làm con tin trong tòa đại sứ Hoa Kỳ ở Tehran, thủ đô của Iran, do một nhóm sinh viên quá khích Sinh Viên Hồi Giáo theo Imam (Imam: lãnh tụ Hồi giáo), ủng hộ Cách Mạng Iran. Tổng Thống đương thời Jimmy Carter cho rằng chuyện bắt giữ con tin (người Hoa Kỳ) là một hành động “tống tiền” và các con tin là “nạn nhân của sự khủng bố, vô trật tự, hỗn loạn”. Nhưng ở Iran, chuyện đó được công nhận rộng rãi là một hành động chống lại Hoa Kỳ và những ảnh hưởng (của Hoa Kỳ) ở Iran, kể cả việc xem thường Cách Mạng Iran, ủng hộ Quốc Vương Iran từ lâu năm, (Mohammad Reza Pahlavi bị lật đổ năm 1979).

        Tình hình (bang giao giữa Iran và Hoa Kỳ) đã lên đến cực điểm sau khi các cuộc thương thuyết ngoại giao để trả tự do cho các con tin thất bại. Năm 1979 cũng là năm chuẩn bị cho bầu cử Tổng Thống Hoa Kỳ, Tổng Thống Jimmy Carter vẫn chưa thấy dấu hiệu thương lượng từ phiá Iran, chính quyền Carter ra lệnh cho bộ Ngoại Giao cắt đứt liên hệ với Iran ngày 7 tháng Tư năm 1980.  Ngoại Trưởng Hoa Kỳ lúc bấy giờ là Cyrus Vance, lập luận chống lại sự thúc đẩy của Cố Vấn Hội Đồng An Ninh Quốc Gia, Zbigniew Brzezinski, giải quyết vấn đề bằng giải pháp quân sự (võ lực).

         Cyrus Vance rời Washington hôm thứ Năm 10 tháng Tư nghỉ “long weekend” ở Florida. Ngày hôm sau, thứ Sáu 11 tháng Tư, Brzezinsky triệu tập buổi họp của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia, ông ta cố gắng thuyết phục đã đến lúc “ra tay kết thúc vấn đề (con tin ở Iran)”, Tổng Thống Carter phát biểu “Đã đến lúc cho chúng ta đưa những con tin về nhà (Hoa Kỳ)”. Cũng trong buổi họp của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia hôm 11 tháng Tư, Tổng Thống Carter xác nhận, ông ta đã chấp thuận xúc tiến sứ mạng (cuộc hành quân cứu con tin). Tuy nhiên, Tổng Thống chỉ muốn trừng phạt Iran bằng sức mạnh Không Lực Hoa Kỳ, nhưng ý kiến này bị loại bỏ ngày 23 tháng Tư, một ngày trước khi xúc tiến sứ mạng (trận tấn công bất ngờ, giải cứu con tin). Cuộc hành quân này được đặt tên là Móng Vuốt Đại Bàng (Operation Eagle Claw).

 III. SOẠN THẢO VÀ CHUẨN BỊ

        Việc soạn thảo kế hoạch hành quân bắt đầu từ ngày 6 tháng Mười Một, hai ngày sau khi nhân viên sứ quán Hoa Kỳ ở Iran bị bắt giữ làm con tin. Thiếu Tướng Lục Quân James B. Vaugh được chỉ định làm chỉ huy trưởng Đặc Nhiệm Hỗn Hợp, thiết lập căn cứ hành quân tiền phương ở Wadi Kena bên Ai Cập, ông ta nhận lệnh trực tiếp từ Tổng Thống Hoa Kỳ (Jimmy Carter). Trực tiếp dưới quyền ông ta có Đại Tá Không Quân James H. Kyle, Đại Tá Lục Quân chỉ huy trưởng đơn vị Delta, Đại Tá Charlie Beckwith (cựu CHT Delta một thời ở VN).

        Một kế hoạch đầy đủ cần có sự tham dự của các đơn vị trong bốn quân chủng (Hải, Lục, Không quân và TQLC). Quan niệm này dựa trên lý thuyết một cuộc hành quân, cần trực thăng và phi cơ vận tải C-130 Hercule, bay theo phi trình khác nhau đến điểm hẹn, trên một bãi cát sa mạc có danh hiệu là Sa Mạc 1 (Desert One) cách thủ đô Tehran của Iran 200 dặm (320 cây số) về hướng đông nam. Tiếp theo, tại điểm hẹn này (căn cứ hành quân tiền phương), các trực thăng lấy thêm nhiên liệu (do đó phi cơ C-130 phải chở theo nhiên liệu cho trực thăng), chở quân biệt kích Delta (đi trên phi cơ C-130) đến căn cứ hành quân tiền phương thứ hai, khu vực núi non gần Tehran, danh hiệu Sa Mạc 2 (Desert Two), rồi từ đó, quân biệt kích Delta sẽ phóng đi trận đột kích cứu con tin vào đêm sau. Cuộc hành quân được sự yểm trợ của một toán CIA nằm vùng trong Tehran. Sau khi giải thoát con tin, họ sẽ được đưa đến một phi trường đã chiếm được của Iran rồi bay qua căn cứ hành quân tiền phương ở Ai Cập.

        Ngày 31 tháng Ba, để chuẩn bị cho giải pháp quân sự, một sĩ quan điều không tiền tuyến (như FAC trong chiến tranh Việt Nam), Thiếu Tá Không Quân John T. Carney Jr. lái phi cơ thám thính Twin Otter, bí mật chở theo hai nhân viên CIA Jim Rhyne, Claude “Bud” McBroom, do thám khu vực bãi đáp cho trực thăng RH-53 Sea Stallion và vận tải cơ C-130 Hercule. Họ thiết lập hệ thống điều khiển từ xa, hướng dẫn bãi đáp cho phi cơ bằng hồng ngoại tuyến. Họ lấy mẫu đất cát mặt đất khu vực. Trong thời gian họ lấy mẫu đất, sàn sa mạc là cát đã đông cứng, nhưng chỉ ba tuần sau trận bão cát phủ lên một lớp cát bụi dầy ngập mắt cá chân (tiêu tan bao nhiêu công phu, chuẩn bị cho trận đột kích…).

         Toán hành động CIA trong thủ đô Tehran (xử dụng võ lực), dưới quyền chỉ huy của cựu Thiếu Tá Lực Lượng Đặc Biệt (đã giải ngũ, được CIA tuyển mộ) Richard J. Meadows (huyền thoại trong ngành LLĐB, nổi tiếng trên Kontum B-15, toán biệt kích Lôi Hổ (SOG) do Meadows làm trưởng toán bắt sống được nhiều tù binh Bắc Việt nhất trong chiến tranh Việt Nam. vđh). Toán hành động CIA được trao cho hai nhiệm vụ, do thám tin tức về con tin, khu vực tòa đại sứ Hoa Kỳ, và (tìm phương tiện, thuê xe…) đưa toán biệt kích Delta từ căn cứ tiền phương Sa Mạc 2 (Desert Two) đến tòa đại sứ Hoa Kỳ (mục tiêu).

        Hai căn cứ hành quân tiền phương, Sa Mạc 1 (Desert One) nằm phía nam tỉnh Khorasan, trong sa mạc Dasht-e Lut gần Tabas, tọa độ (33004’23’’ Bắc 55053’33’’ Đông). Sa Mạc 2 (Desert Two) nằm cách thủ đô Tehran 50 dặm (60 cây số) tại tọa độ (35014’ Bắc 52009’ Đông).

IV. ĐƠN VỊ TẤN CÔNG

        Đơn vị tham dự trn đột kích trên bộ gồm có 93 quân biệt kích Delta (đặc biệt chống khủng bố, do Richard Meadows tuyển mộ, huấn luyện) có nhiệm vụ tấn công vào tòa đại sứ, và một toán khác 13 quân biệt kích Mũ Xanh (Green Beret – LLĐB), toán A (LLĐB), lữ đoàn Bá Linh (Berlin Brigade) tấn công bộ Ngoại Giao Iran nơi ba người Hoa Kỳ (nhân viên Ngoại Giao) bị giam giữ. Toán thứ ba, 12 Biệt Động Quân nằm án ngữ con đường đi vào Sa mạc 1, ngăn ngừa địch (quân đội Iran) đưổi theo, bảo vệ khu vực rút lui. Ngoài ra, Biệt Động Quân (một đơn vị BĐQ khác) được trao nhiệm vụ, chiếm đóng căn cứ Không Quân Manzariveh gần Tehran làm đầu cầu cho việc rút lui (sau khi cứu con tin, họ sẽ vào phi trường này bay ra Sa Mạc 1, lên phi cơ C-130 bay sang Ai Cập). Ngoài ra, CIA đã chuẩn bị cung cấp 15 tài xế lái xe người Iran hay người Hoa Kỳ gốc Persian (Iran, Iraq… Họ không nhận thuộc sắc dân Ả Rập).

IV. 1. XÂM NHẬP

        Theo đúng kế hoạch, đêm dầu tiên, ba phi cơ EC-130Es thuộc Không Lực Hoa Kỳ, danh hiệu Republic 4, 5, và 6, chở đồ tiếp liệu (quân dụng), ba phi cơ MC-130E danh hiệu Dragon 1, 2, và 3  chở đơn vị tấn công gồm quân biệt kích (Delta, LLĐB) và Biệt Động Quân (tổng cộng 132 người). Tất cả phát xuất từ hòn đảo Masirah, ngoài khơi Oman bay đến Sa Mạc 1 trên phi trình dài 1000 dặm (1600 cây số). Các phi cơ C-130 sẽ được tiếp tế thêm xăng trên không từ phi cơ chở nhiên liệu KC-135. Căn cứ hành quân tiền phương Sa Mạc 1 sẽ được giữ an ninh, bảo vệ bởi một đơn vị 12 Biệt Động Quân, họ sẽ phải thiết lập khu vực lấy thêm xăng cho trực thăng chở quân, khoảng 6000 gallons (22.700 lít), trong những túi chứa xăng, phi cơ C-130 chở theo.

        Tám trực thăng Hải Quân, RH-53D Sea Stallion, danh hiệu Bluebeard 1, đến 8 đã chuẩn bị sẵn trên hang không mẫu hạm USS Nimitz đang ứng chiến cách hải phận Iran 60 dặm (96 cây số). Hợp đoàn trực thăng RH-53 sẽ bay phi trình 600 dặm (960 cây số) đến Sa Mạc 1, lấy thêm xăng, chở quân biệt kích Delta, LLĐB, và phần còn lại Biệt Động Quân (12 người ở lại bảo vệ căn cứ hành quân tiền phương Sa Mạc 1.), sau đó bay lên căn cứ hành quân tiền phương Sa Mạc 2 cách đó khoảng 260 dặm (420 cây số). Lúc đó trời đã gần sáng, đơn vị tấn công cùng hợp đoàn trực thăng nằm yên, đợi đến đêm sau mới phóng ra trận tấn công.

IV. 2. TRẬN TẤN CÔNG

        Đầu tiên, nhân viên CIA trong toán hành động dưới quyền Richard Meadows đã “nằm vùng” bên trong Tehran (Iran) sẽ đem xe (chuyên chở) đến căn cứ hành quân tiền phương (căn cứ phóng) Sa Mạc 2. Tiếp theo, cùng với quân biệt kích, BĐQ lái  xe vào Tehran. Quân biệt kích cùng với Biệt Động Quân sẽ tấn công tòa đại sứ (Hoa Kỳ, nơi giam giữ con tin), bộ Ngoại Giao Iran (nơi giam giữ ba nhân viên ngoại giao). Họ sẽ phải thanh toán lính canh gác, cứu con tin với sự yểm trợ của phi cơ võ trang AC-130 (Spectre), bay lên từ căn cứ Sa Mạc 1. Sau đó, tất cả quân tấn công cùng các con tin di chuyển đến sân vận động gần đó Amjadieh stadium “tái ngộ” với hợp đoàn trực thăng từ căn cứ Sa Mạc 2 lên đón.

IV. 3. RÚT LUI

        Song song, đồng thời với việc cứu con tin, đại đội (-) Biệt Động Quân sẽ phải chiếm đóng, nằm giữ căn cứ không quân bỏ hoang Manzariyeh cách Tehran khoảng 50 cây số về hướng tây nam. Biệt Động phải giữ phi trường bằng mọi giá, chờ hai phản lực chuyên chở C-141 Starlifter (xử dụng việc di tản ở Việt Nam), phát xuất từ Saudi Arabia đến. Mọi người (quân biệt kích cùng con tin) sẽ được trực thăng đưa từ sân vận động Amjadieh đến phi trườngManzariyeh, lên phi cơ C-141 bay đến một căn cứ không quân ở Ai Cập. Khi xong việc, hợp đoàn tám chiếc trực thăng RH-53 Sea Stallion sẽ bị phá hủy.

IV. 4. BẢO VỆ VÀ YỂM TRỢ

        Vấn đề an ninh, bảo vệ cuộc hành quân được phi đoàn 8 trên hàng không mẫu hạm Nimitz, và phi đoàn 14 trên hàng không mẫu hạm Coral Sea, ứng chiến, sẵn sàng bay vào khi cần. Để xử dụng cho cuộc hành quân Móng Vuốt Đại Bàng, các phi cơ Hoa Kỳ sơn thêm mấy sọc trên cánh để phân biệt các phản lực F-14, F-4 đã bán cho Không Quân Iran, trong thời gian Quốc Vương Pahlavi còn cai trị.

V. DIỄN TIẾN HÀNH QUÂN

        Chỉ có nhiệm vụ chuyển quân, chở đồ tiếp liệu, xăng dầu do phi cơ C-130 đảm trách hoàn thành nhiệm vụ theo đúng chương trình, kế hoạch. Chiếc MC-130 Dragon 1 đáp xuống Sa Mạc 1 lúc 22:45 phút giờ điạ phương. Cuộc đổ quân trong đêm tối, đựa vào ánh sáng hồng ngoại đã được nhân viên CIA Carney bí mật xâm nhập vào gài trước đó, và viên phi công lái C-130 đeo kính đặc biệt để quan sát ban đêm. Chiếc Dragon 1 chuyên chở nặng nề phải bay vòng mục tiêu bốn lần, để biết chắc chắn không có chướng ngại vật trên đường băng (cất cánh, hạ cánh), và định hướng phi cơ chính xác với đường băng. Dragon 1 thả xuống toán dò thám đường đi trên một xe Jeep và toán điều không Không Quân, điều động các phi cơ C-130 còn lại đáp xuống từng chiếc an toàn, và đặt máy định hướng Beacon hướng dẫn trực thăng.

        Chỉ ít lâu, sau khi đơn vị đầu tiên xuống, rải quân ra bảo vệ căn cứ Sa Mạc 1, một xe bus Iran chở 43 thường dân đang chạy trên đường (đường băng phi đạo cho phi cơ) bị đơn vị an ninh căn cứ Sa Mạc 1, Biệt Động Quân bắt giữ, tạm giam trong phi cơ chở đồ tiếp liệu, xăng dầu Republic 3. Vài phút sau đó, Biệt Động Quân trông thấy một xe chở xăng ra lệnh ngừng lại, nhưng người tài xế không tuân lệnh (dường như họ ăn trộm xăng dầu…). Bắt buộc phải giữ bí mật, BĐQ bắn tiêu hủy chiếc xe chở xăng dầu bằng súng phóng hỏa tiễn mang mang trên vai. Trên bóng đêm sa mạc, tiếng súng và đám cháy có thể nhìn thấy từ khoảng cách xa nhiều dặm, và vô tình giúp hợp đoàn trực thăng RH-53 định hướng căn cứ Sa Mạc 1.

        Cuộc hành quân diễn tiến được hai giờ đồng hồ, chiếc Bluebeard 6 phải đáp khẩn cấp xuống sa mạc, đèn báo hiệu cho biết cánh quạt bị nứt, phi hành đoàn được chiếc Bluebeard 8 thâu hồi, bỏ lại chiếc Bluebeard 6 trên sa mạc. Các trực thăng còn lại gặp phải hiện tượng Haboob, một đám mây bụi, cát sa mạc như cơn lốc xoáy với cát bụi. Bluebeard 5 bay vào đúng cơn lốc cát bụi (habook), bị trở ngại kỹ thuật điện trong trực thăng phải quay về hàng không mẫu hạm Nimitz. Sáu trực thăng còn lại đến căn cứ Sa Mạc 1 chậm trễ từ 50 đến 90 phút. Chiếc cuối cùng Bluebeard 2 đáp xuống Sa Mạc 1 lúc 01:00 giờ sáng, bi hư một máy.

        Chỉ còn lại năm trực thăng để đưa quân, cùng với súng đạn, quân dụng lên căn cứ hành quân tiền phương Sa Mạc 2 (theo dự trù lúc ban đầu, tối thiểu cần sáu trực thăng). Viên phi công trưởng Seiffert từ chối không đồng ý xử dụng chiếc Bluebeard 2 vì thiếu an toàn. Hơn nữa, cấp chỉ huy Delta (đơn vị tấn công) Beckwith cũng không đồng ý giảm bớt quân trong đơn vị tấn công. Do đó, cấp chỉ huy Không Quân Kyle cố vấn cho Thiếu Tướng Vaught (chỉ huy tổng quát trận tấn công) hủy bỏ trận tấn công. Đề nghị này truyền đi theo vệ tinh truyền thông đến Tổng Thống Jimmy Carter, và ông ta cho lệnh hủy bỏ.

VI. TRỰC THĂNG ĐỤNG PHI CƠ BỐC CHÁY

        Sự tiêu thụ nhiên liệu trong thời gian 90 phút đợi cho lệnh (hủy bỏ) làm cho xăng dầu trên một chiếc EC-130 trở nên nghiêm trọng. Sau khi biết chắc, chỉ có sáu trực thăng đến căn cứ hành quân Sa Mạc 1, cấp chỉ huy Không Quân, Kyle đã cho phép phi cơ EC-130 lấy 1000 gallon (3.700 lít) từ túi chứa xăng dầu chở theo, nhưng chiếc Republic 4 đã đổ nhiên liệu cho ba trực thăng, nên gần hết xăng, và để bay lên bắt kịp phi cơ chở nhiên liệu KC-135, chiếc này phải cất cánh ngay tức khắc, lúc đó đã chứa một phần quân biệt kích Delta. Đúng lúc đó trực thăng Bluebeard 4 cũng cần lấy thêm nhiên liệu và phải di chuyển qua phiá bên kia con đường (phi đạo tạm thời).

        Để thực hiện cả hai điều, trực thăng Bluebeard 3 do Thiếu Tá James Schaefer lái phải di chuyển từ phiá sau chiếc EC-130. Trực thăng không để chạy trên đường như phi cơ có cánh (phải bay chậm là là trên mặt đất). Một chuyên viên điều không định ra dấu hiệu cho phi công lái trực thăng, nhưng bị gió cát từ cánh quạt trực thăng thổi mạnh nên anh ta phải tránh ra nơi khác. Hành động đó làm cho viên phi công lầm tưởng như chiếc trực thăng đang trôi dạt về phiá sau, nên viên phi công phản ứng bằng cách đẩy cần điều khiển về phiá trước, và chiếc trực thăng Bluebeard 3 đâm vào phi cơ EC-130.

        Tiếp theo là tiếng nổ lớn và hai chiếc máy bay bốc cháy, tám quân nhân Hoa Kỳ tử nạn: năm người trong số 14 nhân viên phi hành đoàn chiếc EC-130, ba người trong số năm quân nhân TQLC trên chiếc trực thăng RH-53, chỉ có hai viên phi công chính, phụ sống sót mặc dầu cả hai người bị phỏng nặng.. Sau đó, tất cả lên mấy chiếc EC-130 còn lại triệt thoái, để lại năm chiếc trực thăng còn nguyên vẹn trên sa mạc. Không dám phá hủy vì trên trực thăng, chứa nhiều bom đạn, phát nổ có thể gây nguy hại cho mấy chiếc EC-130.

         Ba chiếc EC-130 chở đoàn quân về đến căn cứ không quân tạm thời trên hòn đảo Masirah, sau đó hai phi cơ C-141 từ căn cứ Wadi Abu Shihat ở Ai Cập đến đón di tản về căn cứ không quân Wadi Kena (Ai Cập). Những người bị thương được di tản đi Trung Tâm Y Khoa Lục Quân Landstuhl ở Đức. Ngày hôm sau, khi được biết chuyện xui xẻo ở căn cứ hành quân tiền phương Sa Mạc 1, toán hành động CIA (Richard Meadows) lặng lẽ tìm cách thoát ra khỏi Iran.

VII. HẬU SỰ

        Tòa Bạch Ốc thông báo cuộc hành quân giải cứu con tin thất bại lúc 01:00 giớ sáng ngày hôm sau, 25 tháng Tư năm 1980. Lực lượng an ninh Iran tìm thây chin xác chết, tám ngưới Hoa Kỳ và một người Iran. Xác chết quân nhân Hoa Kỳ sau đó được trao trả cho Hoa Kỳ để chôn cất theo nghi lễ quân đội. 44 người Iran trên chuyến xe bus bị BĐQ bắt giữ, được tự do. Họ là nhân chứng cho trận tấn công thất bại của người Hoa Kỳ.

VII. 1. TỔN THẤT

        Tám quân nhân Hoa Kỳ tử nạn, trong đó có ba quân nhân TQLC: Trung Sĩ John D. Harvey quê quán Roanoke Virginia, Hạ Sĩ George N. Holmes Jr. Pine Bluff Arkansas, Trung Sĩ Dewey Johnson Dublin Georgia. Năm quân nhân Không Quân: Thiếu Tá Richard L. Bakke Long Beach California, Thiếu Tá Harold L. Lewis Jr. Fort Walton Beach Florida, Trung Sĩ Cơ Khí Joel C. Mayo Harrisville Michigan, Đại úy Lyn D. McIntosh Valdosta Georgia, Đại úy Charles T. McMillan Corryton Tennessee.

         Ngày 25 tháng Tư năm 1980, Thiếu Tướng Robert M. Bond đọc bức công điện của Tổng Thống Jimmy Carter trong lễ tưởng niệm cho các quân nhân tử nạn ở Necevill Florida. Một bia tưởng niệm cho họ được dựng lên trong nghĩa trang quốc gia Arlington, có sự hiện diện của Tổng Thống Carter cùng với thân quyến của các tử sĩ ngày 9 tháng Năm. 

Theo tài liệu:

https://en.wikipedia.org/wiki/Operation_Eagle_Claw      

 09/18/2021  at 1:18PM

Fort Hays State University

Department of Computer Science

Dallas, Texas 09/19/2021

vđh

No comments:

Post a Comment