Sunday, October 27, 2024

ĐIỂM TIN THẾ GIỚI : 26/10/2024 Israel tấn công trả đũa Iran

 Israel bắt đầu không kích Iran để trả đũa vụ tấn công ồ ạt bằng hỏa tiễn hồi đầu tháng này, theo Axios và CNN hôm Thứ Sáu, 25 Tháng Mười.

Giới chức Mỹ và Israel tin rằng Iran sẽ đáp trả, nhưng hy vọng sẽ có giới hạn và giúp hai quốc gia thù địch này phá được vòng lẩn quẩn ăn miếng trả miếng.

Chính quyền Tổng Thống Mỹ Joe Biden lo ngại Iran mà đáp trả mạnh có thể khiến Israel và Iran lâm vào chiến tranh toàn diện.

Đài truyền hình nhà nước Iran đưa tin nhiều vụ nổ xảy ra sáng sớm Thứ Bảy giờ địa phương ở nhiều nơi của nước này, trong đó có thủ đô Tehran.

“Để đáp trả những vụ tấn công liên tiếp suốt nhiều tháng… Lực Lượng Phòng Vệ Israel (IDF) đang không kích mục tiêu quân sự ở Iran,” IDF ra thông báo cho hay. “Iran và những nhóm ủy nhiệm của họ trong khu vực này tấn công Israel không ngừng từ ngày 7 Tháng Mười – trên bảy mặt trận – bao gồm những cuộc tấn công trực tiếp từ lãnh thổ Iran.

Trong cuộc họp tối Thứ Sáu, nội các an ninh Israel chuẩn thuận không kích Iran, một giới chức Israel cho biết.

Giới chức Mỹ xác nhận Israel thông báo cho chính quyền Tổng Thống Biden biết trước vài giờ rằng họ sẽ không kích Iran.

Mỹ không tham gia vụ không kích này, giới chức cao cấp chính quyền ông Biden tuyên bố hôm Thứ Sáu.

“Chúng tôi biết Israel đang không kích mục tiêu quân sự ở Iran để tự vệ và đáp trả vụ Iran tấn công Israel bằng hỏa tiễn hôm 1 Tháng Mười. Chúng tôi yêu cầu quý vị liên lạc với chính phủ Israel nếu muốn biết thêm thông tin về chiến dịch của họ,” ông Sean Savett, phát ngôn viên Hội Đồng An Ninh Tòa Bạch Ốc, ra thông báo cho hay.

Tổng Thống Biden hiện đang ở Wilmington, Delaware, và nhóm cố vấn của ông hiện không dự tính nhóm họp trong Situation Room của Tòa Bạch Ốc. Tuy nhiên, Tổng Thống Biden có nghe báo cáo về vụ không kích của Israel và đang theo dõi chặt chẽ diễn biến vụ này, theo giới chức Tòa Bạch Ốc.

Mấy tuần nay, vùng Trung Đông căng thẳng chuẩn bị cho tình huống Israel trả thù vụ tấn công bằng hỏa tiễn của Iran.

Trong khi đó, giới chức Mỹ hàng đầu đã nói rõ Israel nên tránh làm tăng căng thẳng hoặc ảnh hưởng tới nền kinh tế toàn cầu, theo nguồn tin biết vấn đề này.

Trong một loạt cuộc họp định kỳ, Tổng Thống Biden và nhóm cố vấn an ninh quốc gia hàng đầu của ông nói rõ họ không ủng hộ Israel không kích cơ sở nguyên tử hoặc dầu mỏ của Iran.

Mặc dù tin rằng những quốc gia sản xuất dầu khác có thể dễ dàng bù sản lượng gần 1 triệu thùng của Iran, nhưng giới chức Mỹ lo ngại nhiều hơn về việc thị trường phản ứng quá đáng nếu Israel tấn công những cơ sở đó, làm giá dầu tăng vọt giữa lúc cử tri Mỹ đi bầu tổng thống.

Hôm Thứ Sáu, nguồn tin quân sự Israel cho CNN hay nước này không tấn công cơ sở hạ tầng năng lượng Iran, và cuộc không kích này do Israel thực hiện 100%, nhưng vẫn “hợp tác sâu sắc” với Mỹ, chẳng hạn về phòng không. 

TT Zelensky không đồng ý TTK LHQ Guterres tới thăm Kiev
 
Bài phát biểu của Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres tại Hội nghị Thượng đỉnh BRICS hôm 24/10 đã được hoan nghênh, đặc biệt là các nước đang phát triển. Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã không đồng ý cho ông Guterres tới Kiev, bất chấp việc ông Guterres đã ngay trước mặt Tổng thống Nga Vladimir Putin mà đề đạt mong muốn “hòa bình công bằng” cho Ukraine. Giới chức Kiev đã tức giận sau khi ông Guterres nhận lời mời tới tham dự hội nghị BRICS tại Nga, mà trước đó ông từ chối tới dự hội nghị vào tháng 6 tại Thụy Sỹ do Kiev khởi xướng.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky chỉ trích gay gắt TTK LHQ Antonio Guterres trong thông điệp tối 25/10/2024 (ảnh cắt từ video do ông đăng trên mạng xã hội)
Sau khi tham dự Hội nghị Thượng đỉnh BRICS tổ chức 3 ngày (22-24/10) tại Kazan, Liên Bang Nga, ông Guterres, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, có kế hoạch tới Kiev.

Tuy nhiên, các nguồn tin từ quan chức Kiev và từ chính ông Zelensky cho thấy tổng thống Ukraine đã không đồng ý điều này. Không có sự đồng ý của tổng thống nước chủ nhà, ông Guterres có thể sẽ phải hủy chuyến đi tới Kiev.

“Một số quan chức [của LHQ] đã lựa chọn những cám dỗ từ Karan hơn là chất tinh thần của Hiến chương LHQ,” trong thông điệp hàng tối vào tối 25/10 ông Zelensky chỉ trích ông Guterres đã tham dự Hội nghị BRICS, trùng Ngày LHQ 24/10. Trong thông điệp tối này, ông Zelensky tái nhấn mạnh nhiều lần về “kế hoạch chiến thắng” của mình.

“Sau Kazan, ông [Guterres] muốn đến Ukraine, nhưng Tổng thống [Zelensky] không xác nhận chuyến thăm của ông. Vì vậy ông Guterres sẽ không có mặt ở đây,” một quan chức Kiev nói với AFP

“Tổng thống [Zelensky] đã không xác nhận chuyến viếng thăm của ông [Guterres],” một quan chức Kiev nói với BBC. “Sau Kazan và sau khi ông ấy bắt tay với [Putin] … thì sẽ là kỳ lạ nếu tiếp đón ông ấy ở đây.”

Trong bài phát biểu của mình hôm 24/10 tại Hội nghị Thượng đỉnh BRICS, ngay trước mặt tổng thống nước chủ nhà Vladimir Putin, ông Guterres đã kêu gọi có được “hòa bình công bằng” cho Ukraine theo Hiến chương LHQ, theo luật quốc tế, và theo nghị định của Đại hội đồng LHQ.


Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh BRICS lần thứ 16, tổ chức tại Kazan, Liên bang Nga 22-24/10/2024. Bài phát biểu của ông đã được hoan nghênh, đặc biệt là từ các nước đang phát triển (ảnh cắt từ video của LHQ)
Nói chung, bài phát biểu của ông Guterres nhấn mạnh vào thông điệp mong muốn hòa bình, sớm chấm dứt chiến tranh ở Gaza, Liban, Sudan, v.v. và cả Ukraine. Ông cũng kêu gọi có những hành động, kể cả cải tổ LHQ, mà có lợi cho các nước đang phát triển. Ông cho rằng chính sách tài chính của các cơ cấu tài chính quốc tế hiện nay chưa tạo điều kiện cho các nước còn nghèo, các công nghệ tối tân như AI (trí tuệ nhân tạo) nên được trở thành các công nghệ mở, mở hơn nữa, tránh tình trạng khiến các nước yếu nhược ngày càng bị phụ thuộc vào các cường quốc. Ông cho rằng, về phương diện này thì BRICS là có tác dụng tích cực với “chủ nghĩa đa phương” của mình.

Bài phát biểu đã nhận được các hoan nghênh, đặc biệt từ các nước đang phát triển. Như có thể thấy trong các phản hồi của cư dân mạng cho video bài phát biểu này. Trong đó có những bình luận ca ngợi ông khi ông nhắc tới mong muốn cải thiện tình hình ở các nước nghèo như Sudan và Cuba. Có bình luận bày tỏ khâm phục lòng dũng cảm của ông khi ông dám nói ra những điều mà có thể khiến các thế lực lớn ghét ông.

Trong khi quân Nga tiến bước chậm nhưng chắc ở chiến tuyến phía Đông Ukraine, Tổng thống Zelensky đẩy mạnh các nỗ lực cổ xúy công thức “hoà bình” 10 điểm, và sau này là “kế hoạch chiến thắng.” Ông Guterres từ chối lời mời tới cuộc họp ở Thụy Sỹ hồi tháng 6 do Kiev khởi xướng trong chuỗi các nỗ lực nói trên, nhưng ông lại tới Hội nghị BRICS tại Nga. Như tin đã đưa, điều đó đã khiến giới chức Kiev tức giận.

Ông Guterres có lời nói tốt cho Ukraine tại BRICS, và thiện chí tới thăm Kiev ngay sau đó. Ngay sau phát biểu tại Karan, ông cũng có thông điệp trên X (Twitter) kêu gọi “Chúng ta cần hòa bình ở Ukraine. Một hòa bình công bằng, tuân thủ theo Hiến chương LHQ, theo luật quốc tế, và nghị quyết của Đại hội đồng LhQ.”

Tuy nhiên, như đã nêu trên, sau đó tổng thống Zelensky, trong phát biểu hàng tối của mình, gọi ông Guterres là “quan chức [của LHQ]” chứ không gọi đích danh, và chỉ trích rằng ông Guterres đã lựa chọn “cám dỗ từ Karan” chứ không lựa chọn ủng hộ ông Zelensky.

New York Times chỉ trích bà Harris “trả lời vòng vo các câu hỏi trực tiếp” của cử tri

Theo một bài báo phê bình của tờ New York Times, tại cuộc tọa đàm tiếp xúc cử tri của bà Harris do đài CNN tổ chức vào tối thứ Tư (23/10), các cử tri Mỹ đã hỏi Phó tổng thống Kamala Harris, đề cử viên tranh cử tổng thống của Đảng Dân chủ, “các câu hỏi trực tiếp”, nhưng bà “đã trả lời vòng vo”. 

Hai phóng viên chính trị Reid J. Epstein và Lisa Lerer của tờ New York Times, các tác giả của bài báo phê bình, cho biết: “Bà Harris đã nhận được một câu hỏi khá dễ hiểu từ một cử tri độc lập tự nhận là người Do Thái về cách bà sẽ giải quyết chủ nghĩa bài Do Thái trong khuôn viên trường đại học”. 

Hai phóng viên của New York Times tiếp tục: “Trong câu trả lời kéo dài hơn năm phút, bà ấy đã đề cập ngắn gọn đến tội ác thù hận, nhưng sau đó đã đột ngột chuyển đổi chủ đề thảo luận khi đề cập đến những lời viện dẫn được cho là của ông Trump về Hitler, mối quan hệ của ông ấy với [Chủ tịch Triều Tiên] Kim Jong-un và [Tổng thống Nga] Vladimir Putin, cũng nhuhành động của ông ấy trong đại dịch virus corona”. 

Các tác giả của bài báo nhận xét, khoảnh khắc đó “minh họa cho sự thay đổi [chủ đề] mà bà Harris đã thực hiện suốt đêm từ các câu hỏi ngắn gọn, sắc sảo và sâu sắc được hỏi dành cho bà, thành các câu trả lời dài dòng, quanh co mà bà thích đưa ra”. 

Các tác giả biện minh rằng bà Harris có lẽ sẽ thể hiện tốt hơn trong bối cảnh tranh luận. Cựu Tổng thống Trump đã tuyên bố sẽ không tham gia bất kỳ cuộc tranh biện nào khác sau cuộc tranh biện đầu tiên giữa ông và bà Harris vào tháng Chín. Trước đó ông Trump đã tranh biện với Tổng thống Biden vào tháng Sáu trước khi ông Biden quyết định rời bỏ cuộc đua để nhường đường cho bà Harris.

Hai phóng viên của New York Times chỉ trích: “Hóa ra, việc tấn công ông Trump hiệu quả hơn khi ông ấy đứng ngay tại đó. Màn trình diễn mạnh mẽ của bà Harris trong cuộc tranh biện tổng thống đầu tiên và duy nhất của bà với đối thủ của mình đã chứng minh khả năng của bà trong việc dẫn dụ ông ấy [ông Trump] đi vào sai lầm. Tuy nhiên, khi không có ông ấy đứng gần, các cuộc tấn công của bà nhằm vào ông ấy có vẻ giống như muốn né tránh các câu hỏi về các kế hoạch của chính bà hơn là trả lời dứt khoát về những gì bà sẽ làm với tư cách là tổng thống”. 

Các tác giả của bài báo cho rằng việc ông Trump quyết định không tham gia các cuộc tranh biện tiếp theo “có thể không phải là điều tốt nhất đối với những cử tri muốn đánh giá các ứng cử viên” nhưng “màn trình diễn của bà Harris vào tối thứ Tư (23/10) cho thấy lý do tại sao điều đó [quyết định của ông Trump] có thể có lợi cho ông Trump”. 

Lời phê bình của hai phóng viên New York Times lặp lại bình luận của ông David Axelrod, cựu cố vấn của cựu Tổng thống Barack Obama, người chỉ trích bà Harris thường “nói năng lộn xộn” khi trả lời các câu hỏi trực tiếp của cử tri.

Bị Mỹ ‘ép’ đến lo sợ? Bắc Kinh phải có hành động tức thì

 

 Một động thái mới của Bắc Kinh cho thấy, dù là chỉ thể hiện bề ngoài hay thực sự có ý định giảm hỗ trợ cho Nga, sự ra đời của một quy định cho thấy sức ép của Mỹ vẫn khiến ĐCSTQ và các doanh nghiệp liên quan phải dè chừng. Và điều này cũng cho thấy rằng Mỹ và châu Âu chỉ có thể đã đạt được hiệu quả khi khiến Bắc Kinh phải chịu thiệt hại.

Vào ngày 22/10, lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình đã rời Bắc Kinh để đến Kazan, Nga tham dự hội nghị BRICS. Ngay trước đó, vào ngày 19/10, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã ký quyết định của Hội đồng Nhà nước công bố “Quy định về kiểm soát xuất khẩu hàng hóa lưỡng dụng của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”, quy định này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/12/2024.

Theo “Quy định”, hàng hóa lưỡng dụng hay dùng cho hai mục đích được định nghĩa là “những hàng hóa, công nghệ và dịch vụ có cả mục đích dân sự lẫn quân sự, hoặc có thể nâng cao tiềm lực quân sự, đặc biệt là có thể được sử dụng để thiết kế, phát triển, sản xuất hoặc sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt và phương tiện vận chuyển của chúng, bao gồm cả tài liệu kỹ thuật và dữ liệu liên quan”; việc kiểm soát xuất khẩu đề cập đến việc chuyển giao hàng hóa lưỡng dụng từ Trung Quốc ra nước ngoài.

“Quy định” yêu cầu rằng “việc xuất khẩu hàng hóa lưỡng dụng và các hoạt động liên quan phải tuân thủ pháp luật và không được gây tổn hại đến an ninh và lợi ích quốc gia”, áp dụng chế độ cấp phép cho việc xuất khẩu hàng hóa lưỡng dụng và liệt kê danh sách kiểm soát. Đồng thời quy định rằng “nếu có sự vi phạm các yêu cầu quản lý đối với người sử dụng cuối hoặc mục đích cuối cùng, có thể gây nguy hại đến an ninh và lợi ích quốc gia hoặc sử dụng hàng hóa lưỡng dụng cho mục đích khủng bố, các cơ quan quản lý thương mại của Hội đồng Nhà nước có thể quyết định đưa họ vào danh sách kiểm soát”.

Tại buổi họp báo vào ngày công bố, các lãnh đạo của Bộ Tư pháp và Bộ Thương mại Trung Quốc đã bổ sung thêm về “Quy định” cho biết, “nếu người nhập khẩu hoặc người sử dụng cuối có hành vi sử dụng hàng hóa lưỡng dụng để thiết kế, phát triển, sản xuất hoặc sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt và phương tiện vận chuyển của chúng, hoặc bị các cơ quan liên quan của nhà nước áp dụng các biện pháp cấm hoặc hạn chế giao dịch, hợp tác, thì các cơ quan quản lý cũng có thể đưa họ vào danh sách kiểm soát”.

Tại sao Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lại công bố “Quy định” này vào thời điểm này? Theo chuyên gia các vấn đề thời sự người Hoa – Chu Hiểu Huy (周晓辉), rõ ràng là có liên quan đến việc Mỹ và châu Âu áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Trung Quốc vì hỗ trợ Nga và các doanh nghiệp liên quan.

Vào ngày 17/10, Mỹ đã công bố các lệnh trừng phạt mới đối với Công ty Cổ phần Động cơ Hàng không Lâm Ba Hạ (林巴贺) ở Hạ Môn, Công ty TNHH Công nghệ Vector Hồng Thố (红兔) ở Thâm Quyến, cũng như TSK Vektor của Nga vì họ đã tham gia thiết kế, sản xuất và vận chuyển các máy bay không người lái tấn công xa của Nga, những chiếc máy bay đã gây ra thương vong lớn ở Ukraina.

Vào ngày 21 tháng 10, Mỹ lại đưa hơn 20 thực thể, bao gồm sáu công ty Trung Quốc, vào danh sách đen thương mại. Lý do là những thực thể này bị nghi ngờ hỗ trợ các chương trình phát triển vũ khí và máy bay không người lái của Iran và Pakistan, cũng như giúp đỡ Nga trong cuộc chiến ở Ukraina. Bộ Thương mại Mỹ cho biết, 26 mục tiêu này chủ yếu ở Pakistan, Trung Quốc và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, vi phạm quy định kiểm soát xuất khẩu, tham gia vào “các chương trình vũ khí đáng lo ngại”, hoặc trốn tránh các lệnh trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu của Mỹ đối với Nga và Iran.

Theo báo cáo của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ, phân tích dữ liệu hải quan của Trung Quốc từ Quỹ Carnegie cho thấy, Bắc Kinh xuất khẩu hàng hóa được gọi là lưỡng dụng trị giá hơn 300 triệu USD mỗi tháng sang Nga, những hàng hóa này vừa có mục đích thương mại vừa có mục đích quân sự. 

Chính phủ Mỹ đã có bằng chứng xác thực về vấn đề này. Kể từ năm 2022, Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với gần 100 thực thể ở Trung Quốc và Hồng Kông, trong đó hầu hết là một phần của chuỗi cung ứng hàng hóa lưỡng dụng, mà Nga có thể chuyển đổi thành hàng quân sự để sử dụng trong cuộc chiến ở Ukraina.

Vào ngày 20/10, tại cuộc họp của các bộ trưởng Quốc phòng Nhóm G7 tổ chức ở Naples, Italy, một tuyên bố chung đã được thông qua, lên án việc Nga và Triều Tiên mở rộng hợp tác quân sự, đồng thời chỉ trích Đảng Cộng sản Trung Quốc vì đã cung cấp hỗ trợ quân sự cho Nga và chuyển giao hàng hóa lưỡng dụng. 

Tuyên bố nêu rõ: “Chúng tôi rất lo ngại về sự gia tăng hỗ trợ quân sự và kinh tế của Trung Quốc đối với Nga, và kêu gọi Trung Quốc ngừng chuyển giao các vật liệu lưỡng dụng, bao gồm cả linh kiện và thiết bị quân sự”, “Chúng tôi bày tỏ sự quan ngại về các hành động gây bất ổn do sự tăng cường hợp tác quân sự giữa Trung Quốc và Nga”.

Mặc dù phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc vẫn cố gắng biện hộ rằng “Trung Quốc luôn có thái độ thận trọng và có trách nhiệm trong việc xuất khẩu sản phẩm quân sự, và kiểm soát nghiêm ngặt việc xuất khẩu hàng hóa lưỡng dụng”, nhưng sự ra đời của “Quy định về kiểm soát xuất khẩu hàng hóa lưỡng dụng” cùng với các lệnh trừng phạt từ Mỹ và châu Âu đã chứng minh rằng ĐCSTQ thực sự cho phép và thậm chí ngầm chấp thuận việc xuất khẩu hàng hóa lưỡng dụng sang Nga và Iran, và số lượng không hề ít.

Dưới áp lực và trừng phạt từ Mỹ và châu Âu, ĐCSTQ buộc phải thể hiện sự kiểm soát này.

Vậy sự ra đời của “Quy định” có phải chỉ là một hình thức, một cách để lừa dối Mỹ và châu Âu, hay là ĐCSTQ thực sự có ý định giảm xuất khẩu hàng hóa quân sự lưỡng dụng sang Nga sau những biến động quyền lực nội bộ? 

Theo ông Chu Hiểu Huy, ít nhất, chỉ từ việc ban hành “Quy định”, chúng ta vẫn chưa thể đưa ra kết luận. Bởi vì vào ngày 16/10, ông Lý Khắc Cường và Thủ tướng Nga Mikhail Vladimirovich Mishustin đã công bố kế hoạch mở rộng hợp tác Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) ở Islamabad, Pakistan. Chuyến đi của ông Tập Cận Bình đến Kazan có thể cũng sẽ có những thảo luận với ông Putin về việc tăng cường hợp tác.

Hơn nữa, “Quy định” cũng bổ sung các biện pháp thuận lợi: các doanh nghiệp xuất khẩu không cần đăng ký trước cho việc xuất khẩu hàng hóa lưỡng dụng, mà có thể trực tiếp xin cấp phép xuất khẩu. Đối với những trường hợp xuất khẩu nhất định, chẳng hạn như sửa chữa hoặc tham gia triển lãm, doanh nghiệp xuất khẩu có thể “nhận chứng từ xuất khẩu bằng cách điền vào thông tin đăng ký”, tự mình khai báo xuất khẩu. 

Điều này có phải cũng tạo ra lỗ hổng cho các doanh nghiệp Trung Quốc? Hay là tạo ra những con đường mà các doanh nghiệp Trung Quốc có thể tìm cách lách luật? Việc giám sát các doanh nghiệp cung cấp công nghệ và dịch vụ cho Nga sẽ được thực hiện như thế nào?

Dẫu sao, dù là chỉ thể hiện bề ngoài hay thực sự có ý định giảm hỗ trợ cho Nga, sự ra đời của “Quy định về kiểm soát xuất khẩu hàng hóa lưỡng dụng” cho thấy sức ép của Mỹ vẫn khiến ĐCSTQ và các doanh nghiệp liên quan phải dè chừng. Và điều này cũng cho thấy rằng Mỹ và châu Âu chỉ có thể đã đạt được hiệu quả khi khiến Bắc Kinh phải chịu thiệt hại.

Tuesday, October 22, 2024

CHIẾN TRANH, CON ĐƯỜNG NGẮN NHẤT DẪN TỚI HÒA BÌNH TRÊN BIỂN ĐÔNG

Lịch sử cho thấy, từ trên tang thương chết chóc, chiến tranh cũng đã mở ra một sinh lộ khác cho nhiều dân tộc. Nếu không có Thế Chiến Thứ Nhất, Đế Quốc Ottoman có thể còn tồn tại không biết bao lâu và các quốc gia như Tiệp Khắc, Ba Lan, Albania, Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia, Estonia, Latvia v.v… chưa hẳn đã có mặt trên bản đồ thế giới.

Thế giới từ đó đã thay đổi quá nhanh và quá nhiều. Khoa học kỹ thuật đã bước một bước dài. Trái đất mỗi ngày một nhỏ lại vì dân số tăng nhanh, tuổi thọ kéo dài và tử vong do bịnh tật giảm.

Gần hai phần ba dân số thế giới đang cư ngụ tại Á Châu. Trục văn minh phát triển và cả mầm mống của những xung đột đang sinh sôi nảy nở ở Á Châu. Đầu thế kỷ 20, Trung Quốc còn là một nước chậm tiến, nhưng hiện nay là một đế quốc độc tài, chuyên chế đầy tham vọng và đang đe dọa chủ quyền của nhiều nước chung quanh.

Sự trổi dậy của một quốc gia không phải là điều đáng lo ngại vì trong lịch sử nhân loại đã có nhiều quốc gia trổi dậy bên cạnh nhiều đế quốc suy tàn. Những quốc gia như Iran đang chịu đựng sự hà khắc tôn giáo hay Iraq đang sống trong khủng bố hàng ngày một thời là những đế quốc văn minh và cường thịnh.

Tuy nhiên sự trổi dậy của Trung Cộng thì khác. Giới cầm quyền tại Trung Cộng từ Đặng Tiểu Bình tới Tập Cận Bình giương cao ngọn cờ “mối hận một trăm năm sỉ nhục” giống như Hitler vận dụng “hiệp ước bất bình đẳng Versailles” nhưng ở mức độ cao hơn nhiều lần và do đó tai họa trầm trọng hơn nhiều lần.

Dân số Đức khi Thế Chiến Thứ Hai bùng nổ là 79 triệu trong khi dân số Trung Cộng năm 2019 là 1428 triệu. Lý thuyết quân sự của Hitler là tấn công “chớp nhoáng” (Blitzkrieg) để ít tiêu hao trong khi Trung Cộng dùng chiến thuật “lấy thịt đè người” làm điểm mạnh.

David M. Finkelstein trong nghiên cứu Chiến Lược Quân Sự Quốc Gia Của Trung Quốc (China’s National Military Strategy) tổng kết ba mục tiêu của Trung Cộng theo thứ tự: (1) bảo vệ đảng và bảo vệ ổn định, (2) bảo vệ chủ quyền và chống lại sự xâm lược, và (3) hiện đại hóa quân đội và xây dựng quốc gia. Trong số ba mục tiêu trên “bảo vệ đảng” đứng đầu.

Quan điểm về “bảo vệ chủ quyền” của Trung Cộng, cũng theo David M. Finkelstein, không chỉ chủ quyền trên lục địa Trung Quốc mà bao gồm cả khu vực mà giới cai trị Trung Cộng gọi là “Biển Nam Trung Hoa lịch sử”.

Tham vọng là một chuyện, thực hiện được tham vọng là chuyện khác. Muốn thống trị Á Châu, Trung Cộng phải vượt qua được Mỹ về kinh tế và nhất là kỹ thuật chiến tranh.

Hầu hết các nhà nghiên cứu và phân tích quốc phòng đều đồng ý về kỹ thuật chiến tranh Trung Cộng còn thua quá xa Hoa Kỳ. “Thua quá xa” là bao nhiêu tùy thuộc vào thể loại vũ khí và các mẫu dữ kiện dùng để phân tích của mỗi nhà nghiên cứu.

Chẳng hạn, theo nghiên cứu về sức mạnh nguyên tử của Trung Cộng 2019 (Chinese nuclear forces, 2019) của Hans M. Kristensen, Giám đốc Đề Án Thông Tin Nguyên Tử thuộc Liên Đoàn Khoa Học Gia Hoa Kỳ (Director of the Nuclear Information Project with the Federation of American Scientists), nếu chỉ tính đầu đạn nguyên tử, Mỹ hiện có 5,800 đầu đạn trong lúc Trung Cộng chỉ có 290 đầu đạn. Trung Cộng không ngừng gia tăng sản xuất vũ khí nguyên tử với hy vọng mười năm nữa trong kho sẽ có từ 400 đến 500 đầu đạn.

Bài học Chiến Tranh Triều Tiên cho các nhà chiến lược Mỹ thấy không thể ngăn chận sức tấn công biển người của Trung Cộng trong chiến tranh quy ước. Để đánh bại Trung Cộng, chiến tranh hạt nhân phải được đặt ra. Thật ra ngay cả trong chiến tranh Triều Tiên, đối diện với chiến thuật biển người của Trung Cộng, việc sử dụng bom nguyên tử cũng đã được nghĩ tới mặc dù Thống tướng Douglas MacArthur chưa bao giờ chính thức yêu cầu.

Bất cứ chuyện gì cũng có thể xảy ra từ thời điểm này cho đến khi Trung Cộng công khai thách thức Mỹ về quân sự. Các bài học lịch sử cho thấy một biến cố nhỏ có thể khơi mào cho một cuộc xung đột chiến tranh lớn.

Tuần rồi Trung Cộng bắn hai hỏa tiễn vào Biển Đông như một cách để trả đũa việc máy bay thám thính U-2 của Mỹ bay trong khu vực Trung Cộng gọi là “vùng cấm bay quân sự” (No-fly zone). Hai hỏa tiễn, một DF-26 có tầm xa 4,000 km và một DF-21 có tầm xa khoảng 1,800 km. Cả hai rơi vô hại trong khu vực giữa Hoàng Sa và Hải Nam.

Khi đọc bản tin Trung Quốc bắn cảnh cáo người viết thầm ước phải chi xạ thủ Trung Cộng lỡ tay bắn lạc về hướng của một trong những khu trục hạm nguyên tử của Mỹ như USS Barry, USS Mustin, USS Rafael hay bắn lạc vào hướng của hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan đang tuần tra khu vực Tây Thái Bình Dương hoặc USS Nimitz đang tuần tra khu vực Đông Thái Bình Dương.

Bộ Tư Lịnh Không Lực Thái Bình Dương Hoa Kỳ (US Pacific Air Forces) xác nhận U-2 có bay nhưng không vi phạm luật quốc tế nào và sẽ tiếp tục bay. Bản thông cáo báo chí viết: “Một chuyến bay của U-2 đã được tiến hành trong khu vực hoạt động của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và trong khuôn khổ các quy tắc và quy định quốc tế được chấp nhận. Không Lực Thái Bình Dương sẽ tiếp tục bay và hoạt động ở bất kỳ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép, vào thời điểm và nhịp độ do chúng tôi lựa chọn."

Chiến tranh Châu Á bùng nổ một cách đột biến, ngoài dự tính và không chuẩn bị của các bên là giải pháp nhanh gọn và là con đường ngắn nhất để chận đứng tham vọng bành trướng của Tập Cận Bình trên Biển Đông.

Tại sao?

Bởi vì mười năm hay hai chục năm nữa hệ thống quốc phòng của CSVN, Philippines, Mã Lai hay các nước nhỏ quanh Trung Cộng cũng không thay đổi và cho dù có cải tiến cũng chẳng làm mới được bao nhiêu.

Tuy nhiên, một năm đối với Trung Cộng là một bước thay đổi lớn. Giống như Hitler chạy đua với thời gian từ 1935 đến 1939 để đưa quân số Đức từ một trăm ngàn lên đến hơn bốn triệu, Tập Cận Bình chủ trương hiện đại hóa quốc phòng bằng mọi cách kể cả tung gián điệp để mua chuộc những kẻ ham tiền hay bần tiện hơn là ăn cắp.

Nhật Bản và Hoa Kỳ, trong lãnh vực an ninh và quốc phòng, đang gần nhau hơn bao giờ hết. Xung đột biên giới giữa Ấn Độ và Trung Cộng đang diễn ra không chỉ còn trong bàn hội nghị mà cả ngoài mặt trận. Vòng vây Trung Cộng mỗi thời kỳ thêm siết chặt nhưng sẽ rất chậm vì các quan hệ kinh tế thương mại chồng chéo lên nhau.
Chiến tranh bùng nổ dù là chiến tranh giới hạn, các nước nhỏ trong vùng cũng sẽ không thể tiếp tục chính sách “đu dây”, “bắt cá hai tay” hay “trung lập” mà buộc phải chọn một bên. Các chế độ độc tài, nhu nhược, đi ngược với quyền lợi sống còn của dân tộc sẽ bị nhân dân lật đổ. Vì quyền lợi hậu chiến các nước phát triển sẽ đóng vai trò tích cực hơn trong việc nhổ cây đinh Trung Cộng hay ít nhất đẩy Trung Cộng trở vào lục địa.

Giới cầm quyền Trung Cộng khi đó sẽ đứng trước viễn ảnh bị vỡ nát theo một cuộc chiến tranh toàn diện hay thỏa hiệp để bảo vệ lục địa. Nếu chọn lựa bảo vệ lục địa, nhiệm vụ bảo vệ đảng của quân đội sẽ quan trọng hơn bảo vệ chủ quyền trên các hải đảo xa xôi. Các “status quo” dưới hình thức đảo nhân tạo do Trung Cộng đơn phương thiết lập sẽ bị tháo gỡ.

Đó là những viễn ảnh đầy lý tưởng. Đưa ra những hình ảnh lạc quan không phải để rồi đắp chiếu ngủ chờ ngày mai trời sẽ sáng, Trung Cộng sẽ sụp đổ, đảng CS sẽ bước xuống nhưng để cùng nhau nỗ lực để đưa đất nước ra khỏi chế độ độc tài CS mở đường hội nhập vào dòng sống dân chủ văn minh của nhân loại và thời đại.

Con đường trước mặt rất gian nan nhưng sẽ rất vinh quang.

Trần Trung Đạo
Viết lần đầu 3 tháng 9, 2020