Điếu Cày chắc chắn không phải là một cậu bé. Anh sinh năm 1952 năm nay
đã ngoài 60, cái tuổi mà ở Việt Nam anh đã về hưu, đuổi gà nếu nghèo, du
lịch nếu trung lưu và hưởng thụ, ăn chơi nếu giàu có.
Vì già nên anh không có cái may mắn như những kẻ lưu
đày mang đủ mọi quốc tịch khác. Vì là người Việt Nam nên sự lưu đày của
anh cũng đáng ngạc nhiên hơn khi đất nước ấy vốn dĩ đã bội thực những
mảnh đời như thế.
Mảnh đất đón anh là Hoa Kỳ nơi có hơn hai triệu người đã và đang sống
đời lưu vong từ năm 1975. Tuy nhiên trong những mảnh đời lưu vong ấy
không có ai cay đắng như anh. Chỉ duy nhất một mình anh, anh bị chính
quê hương của anh từ chối, đẩy anh lên máy bay và buộc anh sống cuộc đời
anh không hề muốn bởi anh gắn bó và chấp nhận quê hương như một chốn
lưu đày vì anh biết chỉ ở đó anh mới có thể nói lên tiếng nói của một
người Việt Nam, hơn thế, một người Việt có chứng minh nhân dân và có
luôn quân tịch của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Anh là bộ đội, và là bộ đội chiến đấu trên nhiều chiến trường và chiến
trường cuối cùng của anh là nhà giam Thanh Hóa, nơi anh thi hành bản án
được gọi là trốn thuế sau đó "biến tấu" thành tuyên truyền chống chính
quyền cách mạng.
Anh không từ chối mình chống cách mạng vì cách nay hơn 7 năm anh là một
nhà báo chủ trương thành lập Câu lạc bộ nhà báo tự do, tờ báo mạng có
tiếng nói phản ảnh niềm tin và ước vọng của những người như anh và cuối
cùng thì bùng nổ với việc biểu tinh chống Trung Quốc.
Vì chống Trung Quốc nên bản thân anh chịu nhiều hình phạt nhất trong tất cả những người tù nhân lương tâm như anh.
Và cuối cùng, sau bao tranh đấu của nhiều người, nhiều chính phủ anh được Hà Nội lấy ra làm vật trao đổi với những gì mà họ muốn.
Mỹ nhấc lệnh cấm vận bán vũ khí sát thương cho Việt Nam vào ngày 2 tháng
10, ba tuần lễ sau, ngày 21 tháng 10 anh được thả. Có thể nói tự do của
anh có giá trị ngang
với những hợp đồng bán vũ khí mà Mỹ sẽ ký với Việt Nam. Anh còn một
chút an ủi, nếu Hà Nội dùng vũ khí này của Mỹ để chống Trung Quốc thì
tâm nguyện của anh xem như toại nguyện!
Nhưng không đơn giản như vậy.
Anh không được thả, anh bị lưu đày. Mặc dù Hà nội đã cầm trong tay văn bản nới lỏng bán vũ khí sát thương cho Việt Nam.
Điếu Cày hiểu tại sao anh không được tiếp tục sống trong nước vì thâm
tâm anh biết rằng chế độ rất sợ người bộ đội có tên Điếu Cày, một cái
tên của đồng bằng Bắc bộ mảnh đất tạo nên những con người làm cách mạng
và sẽ còn tiếp tục tạo nên những con người như thế.
Ngoài trang bị sức mạnh của một người lính anh còn có sức mạnh tư duy
của nhà báo, một nhà báo tự do và tự thoát ra mọi ràng buộc với 7 ngàn
tờ báo khác. Anh đã từng viết những bài báo xoáy vào các vấn đề Việt
Nam. Anh là mối nguy tiềm ẩn lớn nhất vì một lý do mà ai cũng thấy: Anh
quá nổi tiếng và quá thu hút người khác, những người có tư tưởng đấu
tranh như anh.
Chế độ sợ anh trở thành lãnh tụ. Chế độ lưu đày anh xa quê như một cách
làm cho bạn bè, đồng chí và nhất là những người mến mộ anh quên con
người bất khuất ấy.
Ngồi trên máy bay suốt đêm 21 tháng 10 để tới một đất nước xa lạ chắc
chắn anh sẽ buồn, sẽ thất vọng và có khi tuyệt vọng là đằng khác nhưng
có điều nhiều người tin rằng Điếu Cày sẽ không phản bội lại chính con
người anh, con người mà ý chí vượt qua mọi khả năng tiêu diệt của quỷ
dữ.
Anh bước lên máy bay không trong tư thế của người chiến thắng. Anh vẫn
bị áp tải như phạm nhân. Không được gặp mặt vợ con không được nói một
lời từ biệt.
Chung quanh anh là công an các loại và người theo anh bước lên phi cơ là nhân viên đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội.
Anh tiếp tục thi hành bản án mà chính quyền cộng sản Việt Nam ưu ái giao
anh cho người Mỹ tiếp thu như họ đã từng tiếp thu Hà Nội 60 năm về
trước.
Nhưng người Mỹ khác rất xa với người cộng sản. Họ mang anh về và tạo cho
anh cảm giác anh đang về nhà, căn nhà tự do dân chủ đích thực.
Hàng trăm ngàn người biết sự ra đi của anh qua các làn sóng truyền thông
quốc tế. Người Mỹ nhắc tới anh bằng ngôn ngữ Việt Nam và họ đã thành
công khi đưa được một con người bất khuất ra khỏi nơi tối tăm tù ngục.
Một làn sóng người hồi hộp chờ đợi sự xuất hiện của anh tại phi tường
Los Angeles.
Phần còn lại là anh, người blogger bất khuất Điếu Cày
Anh sẽ tiếp tục sống bằng chuỗi im lặng nếu anh muốn. Ngay cả khi anh im
lặng thì Hà Nội cũng sợ anh. Bản chất gian dối và thủ đoạn khiến họ sợ
tất cả những gì anh làm và ngay cả khi anh không làm gì cả. Họ chỉ thở
phào nhẹ nhỏm khi anh đầu hàng, lúc anh chấp nhận tin rằng không thể
chiến đấu bên ngoài đất nước Việt Nam như rất nhiều người từng nói. Khi
ấy anh sẽ tự động quay về tư thế một công dân Việt Nam bình thường sống
trên đất Mỹ.
Bằng không, nếu anh tiếp tục lên tiếng, tiếp tục cho thế giới thấy sự
giả trá của chế độ, tiếp tục là nhân chứng gào thét trước quốc hội trước
báo chí và trước cộng đồng người bản xứ về những gì mà Việt Nam đã và
đang làm thì lúc ấy Hà Nội sẽ nhận thức được cái giá phải trả cho một
hợp đồng là đắt đỏ như thế nào.
Điếu Cày sẽ làm được vì thời gian hơn 6 năm trong lao tù cộng sản anh đã
chứng minh cho mọi người thấy lòng kiên trì của anh. Anh đã tạo cảm
thông cho hàng trăm bạn tù cùng trại giam và anh đã chứng minh rằng
không nhà giam nào làm anh sợ hãi.
Thế giới tự do không phải là nhà giam mặc dù nó dẫy đầy thử thách. Đối
với Điếu Cày, thử thách không phải là chuyện lớn mà điều anh sắp gặp là
những cám dỗ rất đời thường. Những cám dỗ ấy đã từng quật ngã hàng trăm
người tranh đấu. Những thanh kiếm vô hình nhưng có khả năng đâm thủng
những chiếc áo giáp tự tin kiên cố nhất. Thanh kiếm ấy bén ngọt hơn nếu
có sự tiếp tay mài giũa của người cộng sản đang hoạt động ở hải ngoại.
Cám dỗ có thể đến bằng sự tung hô, thần tượng hóa thậm chí là chiếc ghế ảo tưởng mà hải ngoại đã quen thuộc.
Cám dỗ có thể đến từ những buổi nói chuyện được trả tiền, từ đó dẫn theo
những nguồn lợi khác cũng bằng tiền. Những đồng đô la tạo nên quyền lực
và cũng tiêu diệt dần mòn ý chí, tư duy của bất cứ người nào không kinh
nghiệm trong môi trường chính trị đầy bất trắc nơi hải ngoại. Bất trắc
và hấp dẫn vì nó thở hơi thở dân chủ, cái mà Điếu Cày và nhiều người
khác như anh ao ước được thở, được nhìn thấy.
Mọi sự vẫn còn quá sớm để nói lời mong đợi hay nghi nan, tuy nhiên có
một điều rất chắc chắn: bắt đầu từ ngay mai, con người dễ mến ấy sẽ thức
dậy với tiếng ồn của một xã hội sinh động và cảm nhận rằng anh đã bắt
đầu một cuộc chiến khác. Không có nhà giam, công an hay quản giáo nhưng
lại có rất nhiều nỗi lo chung quanh đời sống: Sự cám dỗ kéo anh ngày
càng xa ý thức đấu tranh khi anh bị nhổ ra khỏi gốc rể Việt Nam.
Nhưng bù lại, anh sẽ thấy thế nào là dân chủ, điều mà anh đang nỗ lực
hướng tới. Khi đã thấy anh sẽ phản ứng. Với con người như anh phản ứng
thế nào thì người cộng sản cũng sợ cả.
Ngày mai, 22 tháng 10 năm 2014 tính theo giờ Los Angeles, Điếu Cày sẽ là
trang sách mới cho những người tranh đấu trong nước. Họ sẽ nhìn anh như
một mũi tên được phóng đi bằng sức kéo của một nền dân chủ lớn vào hàng
đầu thế giới.