Sunday, October 27, 2024

ĐIỂM TIN THẾ GIỚI : 26/10/2024 Israel tấn công trả đũa Iran

 Israel bắt đầu không kích Iran để trả đũa vụ tấn công ồ ạt bằng hỏa tiễn hồi đầu tháng này, theo Axios và CNN hôm Thứ Sáu, 25 Tháng Mười.

Giới chức Mỹ và Israel tin rằng Iran sẽ đáp trả, nhưng hy vọng sẽ có giới hạn và giúp hai quốc gia thù địch này phá được vòng lẩn quẩn ăn miếng trả miếng.

Chính quyền Tổng Thống Mỹ Joe Biden lo ngại Iran mà đáp trả mạnh có thể khiến Israel và Iran lâm vào chiến tranh toàn diện.

Đài truyền hình nhà nước Iran đưa tin nhiều vụ nổ xảy ra sáng sớm Thứ Bảy giờ địa phương ở nhiều nơi của nước này, trong đó có thủ đô Tehran.

“Để đáp trả những vụ tấn công liên tiếp suốt nhiều tháng… Lực Lượng Phòng Vệ Israel (IDF) đang không kích mục tiêu quân sự ở Iran,” IDF ra thông báo cho hay. “Iran và những nhóm ủy nhiệm của họ trong khu vực này tấn công Israel không ngừng từ ngày 7 Tháng Mười – trên bảy mặt trận – bao gồm những cuộc tấn công trực tiếp từ lãnh thổ Iran.

Trong cuộc họp tối Thứ Sáu, nội các an ninh Israel chuẩn thuận không kích Iran, một giới chức Israel cho biết.

Giới chức Mỹ xác nhận Israel thông báo cho chính quyền Tổng Thống Biden biết trước vài giờ rằng họ sẽ không kích Iran.

Mỹ không tham gia vụ không kích này, giới chức cao cấp chính quyền ông Biden tuyên bố hôm Thứ Sáu.

“Chúng tôi biết Israel đang không kích mục tiêu quân sự ở Iran để tự vệ và đáp trả vụ Iran tấn công Israel bằng hỏa tiễn hôm 1 Tháng Mười. Chúng tôi yêu cầu quý vị liên lạc với chính phủ Israel nếu muốn biết thêm thông tin về chiến dịch của họ,” ông Sean Savett, phát ngôn viên Hội Đồng An Ninh Tòa Bạch Ốc, ra thông báo cho hay.

Tổng Thống Biden hiện đang ở Wilmington, Delaware, và nhóm cố vấn của ông hiện không dự tính nhóm họp trong Situation Room của Tòa Bạch Ốc. Tuy nhiên, Tổng Thống Biden có nghe báo cáo về vụ không kích của Israel và đang theo dõi chặt chẽ diễn biến vụ này, theo giới chức Tòa Bạch Ốc.

Mấy tuần nay, vùng Trung Đông căng thẳng chuẩn bị cho tình huống Israel trả thù vụ tấn công bằng hỏa tiễn của Iran.

Trong khi đó, giới chức Mỹ hàng đầu đã nói rõ Israel nên tránh làm tăng căng thẳng hoặc ảnh hưởng tới nền kinh tế toàn cầu, theo nguồn tin biết vấn đề này.

Trong một loạt cuộc họp định kỳ, Tổng Thống Biden và nhóm cố vấn an ninh quốc gia hàng đầu của ông nói rõ họ không ủng hộ Israel không kích cơ sở nguyên tử hoặc dầu mỏ của Iran.

Mặc dù tin rằng những quốc gia sản xuất dầu khác có thể dễ dàng bù sản lượng gần 1 triệu thùng của Iran, nhưng giới chức Mỹ lo ngại nhiều hơn về việc thị trường phản ứng quá đáng nếu Israel tấn công những cơ sở đó, làm giá dầu tăng vọt giữa lúc cử tri Mỹ đi bầu tổng thống.

Hôm Thứ Sáu, nguồn tin quân sự Israel cho CNN hay nước này không tấn công cơ sở hạ tầng năng lượng Iran, và cuộc không kích này do Israel thực hiện 100%, nhưng vẫn “hợp tác sâu sắc” với Mỹ, chẳng hạn về phòng không. 

TT Zelensky không đồng ý TTK LHQ Guterres tới thăm Kiev
 
Bài phát biểu của Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres tại Hội nghị Thượng đỉnh BRICS hôm 24/10 đã được hoan nghênh, đặc biệt là các nước đang phát triển. Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã không đồng ý cho ông Guterres tới Kiev, bất chấp việc ông Guterres đã ngay trước mặt Tổng thống Nga Vladimir Putin mà đề đạt mong muốn “hòa bình công bằng” cho Ukraine. Giới chức Kiev đã tức giận sau khi ông Guterres nhận lời mời tới tham dự hội nghị BRICS tại Nga, mà trước đó ông từ chối tới dự hội nghị vào tháng 6 tại Thụy Sỹ do Kiev khởi xướng.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky chỉ trích gay gắt TTK LHQ Antonio Guterres trong thông điệp tối 25/10/2024 (ảnh cắt từ video do ông đăng trên mạng xã hội)
Sau khi tham dự Hội nghị Thượng đỉnh BRICS tổ chức 3 ngày (22-24/10) tại Kazan, Liên Bang Nga, ông Guterres, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, có kế hoạch tới Kiev.

Tuy nhiên, các nguồn tin từ quan chức Kiev và từ chính ông Zelensky cho thấy tổng thống Ukraine đã không đồng ý điều này. Không có sự đồng ý của tổng thống nước chủ nhà, ông Guterres có thể sẽ phải hủy chuyến đi tới Kiev.

“Một số quan chức [của LHQ] đã lựa chọn những cám dỗ từ Karan hơn là chất tinh thần của Hiến chương LHQ,” trong thông điệp hàng tối vào tối 25/10 ông Zelensky chỉ trích ông Guterres đã tham dự Hội nghị BRICS, trùng Ngày LHQ 24/10. Trong thông điệp tối này, ông Zelensky tái nhấn mạnh nhiều lần về “kế hoạch chiến thắng” của mình.

“Sau Kazan, ông [Guterres] muốn đến Ukraine, nhưng Tổng thống [Zelensky] không xác nhận chuyến thăm của ông. Vì vậy ông Guterres sẽ không có mặt ở đây,” một quan chức Kiev nói với AFP

“Tổng thống [Zelensky] đã không xác nhận chuyến viếng thăm của ông [Guterres],” một quan chức Kiev nói với BBC. “Sau Kazan và sau khi ông ấy bắt tay với [Putin] … thì sẽ là kỳ lạ nếu tiếp đón ông ấy ở đây.”

Trong bài phát biểu của mình hôm 24/10 tại Hội nghị Thượng đỉnh BRICS, ngay trước mặt tổng thống nước chủ nhà Vladimir Putin, ông Guterres đã kêu gọi có được “hòa bình công bằng” cho Ukraine theo Hiến chương LHQ, theo luật quốc tế, và theo nghị định của Đại hội đồng LHQ.


Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh BRICS lần thứ 16, tổ chức tại Kazan, Liên bang Nga 22-24/10/2024. Bài phát biểu của ông đã được hoan nghênh, đặc biệt là từ các nước đang phát triển (ảnh cắt từ video của LHQ)
Nói chung, bài phát biểu của ông Guterres nhấn mạnh vào thông điệp mong muốn hòa bình, sớm chấm dứt chiến tranh ở Gaza, Liban, Sudan, v.v. và cả Ukraine. Ông cũng kêu gọi có những hành động, kể cả cải tổ LHQ, mà có lợi cho các nước đang phát triển. Ông cho rằng chính sách tài chính của các cơ cấu tài chính quốc tế hiện nay chưa tạo điều kiện cho các nước còn nghèo, các công nghệ tối tân như AI (trí tuệ nhân tạo) nên được trở thành các công nghệ mở, mở hơn nữa, tránh tình trạng khiến các nước yếu nhược ngày càng bị phụ thuộc vào các cường quốc. Ông cho rằng, về phương diện này thì BRICS là có tác dụng tích cực với “chủ nghĩa đa phương” của mình.

Bài phát biểu đã nhận được các hoan nghênh, đặc biệt từ các nước đang phát triển. Như có thể thấy trong các phản hồi của cư dân mạng cho video bài phát biểu này. Trong đó có những bình luận ca ngợi ông khi ông nhắc tới mong muốn cải thiện tình hình ở các nước nghèo như Sudan và Cuba. Có bình luận bày tỏ khâm phục lòng dũng cảm của ông khi ông dám nói ra những điều mà có thể khiến các thế lực lớn ghét ông.

Trong khi quân Nga tiến bước chậm nhưng chắc ở chiến tuyến phía Đông Ukraine, Tổng thống Zelensky đẩy mạnh các nỗ lực cổ xúy công thức “hoà bình” 10 điểm, và sau này là “kế hoạch chiến thắng.” Ông Guterres từ chối lời mời tới cuộc họp ở Thụy Sỹ hồi tháng 6 do Kiev khởi xướng trong chuỗi các nỗ lực nói trên, nhưng ông lại tới Hội nghị BRICS tại Nga. Như tin đã đưa, điều đó đã khiến giới chức Kiev tức giận.

Ông Guterres có lời nói tốt cho Ukraine tại BRICS, và thiện chí tới thăm Kiev ngay sau đó. Ngay sau phát biểu tại Karan, ông cũng có thông điệp trên X (Twitter) kêu gọi “Chúng ta cần hòa bình ở Ukraine. Một hòa bình công bằng, tuân thủ theo Hiến chương LHQ, theo luật quốc tế, và nghị quyết của Đại hội đồng LhQ.”

Tuy nhiên, như đã nêu trên, sau đó tổng thống Zelensky, trong phát biểu hàng tối của mình, gọi ông Guterres là “quan chức [của LHQ]” chứ không gọi đích danh, và chỉ trích rằng ông Guterres đã lựa chọn “cám dỗ từ Karan” chứ không lựa chọn ủng hộ ông Zelensky.

New York Times chỉ trích bà Harris “trả lời vòng vo các câu hỏi trực tiếp” của cử tri

Theo một bài báo phê bình của tờ New York Times, tại cuộc tọa đàm tiếp xúc cử tri của bà Harris do đài CNN tổ chức vào tối thứ Tư (23/10), các cử tri Mỹ đã hỏi Phó tổng thống Kamala Harris, đề cử viên tranh cử tổng thống của Đảng Dân chủ, “các câu hỏi trực tiếp”, nhưng bà “đã trả lời vòng vo”. 

Hai phóng viên chính trị Reid J. Epstein và Lisa Lerer của tờ New York Times, các tác giả của bài báo phê bình, cho biết: “Bà Harris đã nhận được một câu hỏi khá dễ hiểu từ một cử tri độc lập tự nhận là người Do Thái về cách bà sẽ giải quyết chủ nghĩa bài Do Thái trong khuôn viên trường đại học”. 

Hai phóng viên của New York Times tiếp tục: “Trong câu trả lời kéo dài hơn năm phút, bà ấy đã đề cập ngắn gọn đến tội ác thù hận, nhưng sau đó đã đột ngột chuyển đổi chủ đề thảo luận khi đề cập đến những lời viện dẫn được cho là của ông Trump về Hitler, mối quan hệ của ông ấy với [Chủ tịch Triều Tiên] Kim Jong-un và [Tổng thống Nga] Vladimir Putin, cũng nhuhành động của ông ấy trong đại dịch virus corona”. 

Các tác giả của bài báo nhận xét, khoảnh khắc đó “minh họa cho sự thay đổi [chủ đề] mà bà Harris đã thực hiện suốt đêm từ các câu hỏi ngắn gọn, sắc sảo và sâu sắc được hỏi dành cho bà, thành các câu trả lời dài dòng, quanh co mà bà thích đưa ra”. 

Các tác giả biện minh rằng bà Harris có lẽ sẽ thể hiện tốt hơn trong bối cảnh tranh luận. Cựu Tổng thống Trump đã tuyên bố sẽ không tham gia bất kỳ cuộc tranh biện nào khác sau cuộc tranh biện đầu tiên giữa ông và bà Harris vào tháng Chín. Trước đó ông Trump đã tranh biện với Tổng thống Biden vào tháng Sáu trước khi ông Biden quyết định rời bỏ cuộc đua để nhường đường cho bà Harris.

Hai phóng viên của New York Times chỉ trích: “Hóa ra, việc tấn công ông Trump hiệu quả hơn khi ông ấy đứng ngay tại đó. Màn trình diễn mạnh mẽ của bà Harris trong cuộc tranh biện tổng thống đầu tiên và duy nhất của bà với đối thủ của mình đã chứng minh khả năng của bà trong việc dẫn dụ ông ấy [ông Trump] đi vào sai lầm. Tuy nhiên, khi không có ông ấy đứng gần, các cuộc tấn công của bà nhằm vào ông ấy có vẻ giống như muốn né tránh các câu hỏi về các kế hoạch của chính bà hơn là trả lời dứt khoát về những gì bà sẽ làm với tư cách là tổng thống”. 

Các tác giả của bài báo cho rằng việc ông Trump quyết định không tham gia các cuộc tranh biện tiếp theo “có thể không phải là điều tốt nhất đối với những cử tri muốn đánh giá các ứng cử viên” nhưng “màn trình diễn của bà Harris vào tối thứ Tư (23/10) cho thấy lý do tại sao điều đó [quyết định của ông Trump] có thể có lợi cho ông Trump”. 

Lời phê bình của hai phóng viên New York Times lặp lại bình luận của ông David Axelrod, cựu cố vấn của cựu Tổng thống Barack Obama, người chỉ trích bà Harris thường “nói năng lộn xộn” khi trả lời các câu hỏi trực tiếp của cử tri.

Bị Mỹ ‘ép’ đến lo sợ? Bắc Kinh phải có hành động tức thì

 

 Một động thái mới của Bắc Kinh cho thấy, dù là chỉ thể hiện bề ngoài hay thực sự có ý định giảm hỗ trợ cho Nga, sự ra đời của một quy định cho thấy sức ép của Mỹ vẫn khiến ĐCSTQ và các doanh nghiệp liên quan phải dè chừng. Và điều này cũng cho thấy rằng Mỹ và châu Âu chỉ có thể đã đạt được hiệu quả khi khiến Bắc Kinh phải chịu thiệt hại.

Vào ngày 22/10, lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình đã rời Bắc Kinh để đến Kazan, Nga tham dự hội nghị BRICS. Ngay trước đó, vào ngày 19/10, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã ký quyết định của Hội đồng Nhà nước công bố “Quy định về kiểm soát xuất khẩu hàng hóa lưỡng dụng của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”, quy định này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/12/2024.

Theo “Quy định”, hàng hóa lưỡng dụng hay dùng cho hai mục đích được định nghĩa là “những hàng hóa, công nghệ và dịch vụ có cả mục đích dân sự lẫn quân sự, hoặc có thể nâng cao tiềm lực quân sự, đặc biệt là có thể được sử dụng để thiết kế, phát triển, sản xuất hoặc sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt và phương tiện vận chuyển của chúng, bao gồm cả tài liệu kỹ thuật và dữ liệu liên quan”; việc kiểm soát xuất khẩu đề cập đến việc chuyển giao hàng hóa lưỡng dụng từ Trung Quốc ra nước ngoài.

“Quy định” yêu cầu rằng “việc xuất khẩu hàng hóa lưỡng dụng và các hoạt động liên quan phải tuân thủ pháp luật và không được gây tổn hại đến an ninh và lợi ích quốc gia”, áp dụng chế độ cấp phép cho việc xuất khẩu hàng hóa lưỡng dụng và liệt kê danh sách kiểm soát. Đồng thời quy định rằng “nếu có sự vi phạm các yêu cầu quản lý đối với người sử dụng cuối hoặc mục đích cuối cùng, có thể gây nguy hại đến an ninh và lợi ích quốc gia hoặc sử dụng hàng hóa lưỡng dụng cho mục đích khủng bố, các cơ quan quản lý thương mại của Hội đồng Nhà nước có thể quyết định đưa họ vào danh sách kiểm soát”.

Tại buổi họp báo vào ngày công bố, các lãnh đạo của Bộ Tư pháp và Bộ Thương mại Trung Quốc đã bổ sung thêm về “Quy định” cho biết, “nếu người nhập khẩu hoặc người sử dụng cuối có hành vi sử dụng hàng hóa lưỡng dụng để thiết kế, phát triển, sản xuất hoặc sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt và phương tiện vận chuyển của chúng, hoặc bị các cơ quan liên quan của nhà nước áp dụng các biện pháp cấm hoặc hạn chế giao dịch, hợp tác, thì các cơ quan quản lý cũng có thể đưa họ vào danh sách kiểm soát”.

Tại sao Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lại công bố “Quy định” này vào thời điểm này? Theo chuyên gia các vấn đề thời sự người Hoa – Chu Hiểu Huy (周晓辉), rõ ràng là có liên quan đến việc Mỹ và châu Âu áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Trung Quốc vì hỗ trợ Nga và các doanh nghiệp liên quan.

Vào ngày 17/10, Mỹ đã công bố các lệnh trừng phạt mới đối với Công ty Cổ phần Động cơ Hàng không Lâm Ba Hạ (林巴贺) ở Hạ Môn, Công ty TNHH Công nghệ Vector Hồng Thố (红兔) ở Thâm Quyến, cũng như TSK Vektor của Nga vì họ đã tham gia thiết kế, sản xuất và vận chuyển các máy bay không người lái tấn công xa của Nga, những chiếc máy bay đã gây ra thương vong lớn ở Ukraina.

Vào ngày 21 tháng 10, Mỹ lại đưa hơn 20 thực thể, bao gồm sáu công ty Trung Quốc, vào danh sách đen thương mại. Lý do là những thực thể này bị nghi ngờ hỗ trợ các chương trình phát triển vũ khí và máy bay không người lái của Iran và Pakistan, cũng như giúp đỡ Nga trong cuộc chiến ở Ukraina. Bộ Thương mại Mỹ cho biết, 26 mục tiêu này chủ yếu ở Pakistan, Trung Quốc và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, vi phạm quy định kiểm soát xuất khẩu, tham gia vào “các chương trình vũ khí đáng lo ngại”, hoặc trốn tránh các lệnh trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu của Mỹ đối với Nga và Iran.

Theo báo cáo của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ, phân tích dữ liệu hải quan của Trung Quốc từ Quỹ Carnegie cho thấy, Bắc Kinh xuất khẩu hàng hóa được gọi là lưỡng dụng trị giá hơn 300 triệu USD mỗi tháng sang Nga, những hàng hóa này vừa có mục đích thương mại vừa có mục đích quân sự. 

Chính phủ Mỹ đã có bằng chứng xác thực về vấn đề này. Kể từ năm 2022, Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với gần 100 thực thể ở Trung Quốc và Hồng Kông, trong đó hầu hết là một phần của chuỗi cung ứng hàng hóa lưỡng dụng, mà Nga có thể chuyển đổi thành hàng quân sự để sử dụng trong cuộc chiến ở Ukraina.

Vào ngày 20/10, tại cuộc họp của các bộ trưởng Quốc phòng Nhóm G7 tổ chức ở Naples, Italy, một tuyên bố chung đã được thông qua, lên án việc Nga và Triều Tiên mở rộng hợp tác quân sự, đồng thời chỉ trích Đảng Cộng sản Trung Quốc vì đã cung cấp hỗ trợ quân sự cho Nga và chuyển giao hàng hóa lưỡng dụng. 

Tuyên bố nêu rõ: “Chúng tôi rất lo ngại về sự gia tăng hỗ trợ quân sự và kinh tế của Trung Quốc đối với Nga, và kêu gọi Trung Quốc ngừng chuyển giao các vật liệu lưỡng dụng, bao gồm cả linh kiện và thiết bị quân sự”, “Chúng tôi bày tỏ sự quan ngại về các hành động gây bất ổn do sự tăng cường hợp tác quân sự giữa Trung Quốc và Nga”.

Mặc dù phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc vẫn cố gắng biện hộ rằng “Trung Quốc luôn có thái độ thận trọng và có trách nhiệm trong việc xuất khẩu sản phẩm quân sự, và kiểm soát nghiêm ngặt việc xuất khẩu hàng hóa lưỡng dụng”, nhưng sự ra đời của “Quy định về kiểm soát xuất khẩu hàng hóa lưỡng dụng” cùng với các lệnh trừng phạt từ Mỹ và châu Âu đã chứng minh rằng ĐCSTQ thực sự cho phép và thậm chí ngầm chấp thuận việc xuất khẩu hàng hóa lưỡng dụng sang Nga và Iran, và số lượng không hề ít.

Dưới áp lực và trừng phạt từ Mỹ và châu Âu, ĐCSTQ buộc phải thể hiện sự kiểm soát này.

Vậy sự ra đời của “Quy định” có phải chỉ là một hình thức, một cách để lừa dối Mỹ và châu Âu, hay là ĐCSTQ thực sự có ý định giảm xuất khẩu hàng hóa quân sự lưỡng dụng sang Nga sau những biến động quyền lực nội bộ? 

Theo ông Chu Hiểu Huy, ít nhất, chỉ từ việc ban hành “Quy định”, chúng ta vẫn chưa thể đưa ra kết luận. Bởi vì vào ngày 16/10, ông Lý Khắc Cường và Thủ tướng Nga Mikhail Vladimirovich Mishustin đã công bố kế hoạch mở rộng hợp tác Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) ở Islamabad, Pakistan. Chuyến đi của ông Tập Cận Bình đến Kazan có thể cũng sẽ có những thảo luận với ông Putin về việc tăng cường hợp tác.

Hơn nữa, “Quy định” cũng bổ sung các biện pháp thuận lợi: các doanh nghiệp xuất khẩu không cần đăng ký trước cho việc xuất khẩu hàng hóa lưỡng dụng, mà có thể trực tiếp xin cấp phép xuất khẩu. Đối với những trường hợp xuất khẩu nhất định, chẳng hạn như sửa chữa hoặc tham gia triển lãm, doanh nghiệp xuất khẩu có thể “nhận chứng từ xuất khẩu bằng cách điền vào thông tin đăng ký”, tự mình khai báo xuất khẩu. 

Điều này có phải cũng tạo ra lỗ hổng cho các doanh nghiệp Trung Quốc? Hay là tạo ra những con đường mà các doanh nghiệp Trung Quốc có thể tìm cách lách luật? Việc giám sát các doanh nghiệp cung cấp công nghệ và dịch vụ cho Nga sẽ được thực hiện như thế nào?

Dẫu sao, dù là chỉ thể hiện bề ngoài hay thực sự có ý định giảm hỗ trợ cho Nga, sự ra đời của “Quy định về kiểm soát xuất khẩu hàng hóa lưỡng dụng” cho thấy sức ép của Mỹ vẫn khiến ĐCSTQ và các doanh nghiệp liên quan phải dè chừng. Và điều này cũng cho thấy rằng Mỹ và châu Âu chỉ có thể đã đạt được hiệu quả khi khiến Bắc Kinh phải chịu thiệt hại.

Tuesday, October 22, 2024

CHIẾN TRANH, CON ĐƯỜNG NGẮN NHẤT DẪN TỚI HÒA BÌNH TRÊN BIỂN ĐÔNG

Lịch sử cho thấy, từ trên tang thương chết chóc, chiến tranh cũng đã mở ra một sinh lộ khác cho nhiều dân tộc. Nếu không có Thế Chiến Thứ Nhất, Đế Quốc Ottoman có thể còn tồn tại không biết bao lâu và các quốc gia như Tiệp Khắc, Ba Lan, Albania, Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia, Estonia, Latvia v.v… chưa hẳn đã có mặt trên bản đồ thế giới.

Thế giới từ đó đã thay đổi quá nhanh và quá nhiều. Khoa học kỹ thuật đã bước một bước dài. Trái đất mỗi ngày một nhỏ lại vì dân số tăng nhanh, tuổi thọ kéo dài và tử vong do bịnh tật giảm.

Gần hai phần ba dân số thế giới đang cư ngụ tại Á Châu. Trục văn minh phát triển và cả mầm mống của những xung đột đang sinh sôi nảy nở ở Á Châu. Đầu thế kỷ 20, Trung Quốc còn là một nước chậm tiến, nhưng hiện nay là một đế quốc độc tài, chuyên chế đầy tham vọng và đang đe dọa chủ quyền của nhiều nước chung quanh.

Sự trổi dậy của một quốc gia không phải là điều đáng lo ngại vì trong lịch sử nhân loại đã có nhiều quốc gia trổi dậy bên cạnh nhiều đế quốc suy tàn. Những quốc gia như Iran đang chịu đựng sự hà khắc tôn giáo hay Iraq đang sống trong khủng bố hàng ngày một thời là những đế quốc văn minh và cường thịnh.

Tuy nhiên sự trổi dậy của Trung Cộng thì khác. Giới cầm quyền tại Trung Cộng từ Đặng Tiểu Bình tới Tập Cận Bình giương cao ngọn cờ “mối hận một trăm năm sỉ nhục” giống như Hitler vận dụng “hiệp ước bất bình đẳng Versailles” nhưng ở mức độ cao hơn nhiều lần và do đó tai họa trầm trọng hơn nhiều lần.

Dân số Đức khi Thế Chiến Thứ Hai bùng nổ là 79 triệu trong khi dân số Trung Cộng năm 2019 là 1428 triệu. Lý thuyết quân sự của Hitler là tấn công “chớp nhoáng” (Blitzkrieg) để ít tiêu hao trong khi Trung Cộng dùng chiến thuật “lấy thịt đè người” làm điểm mạnh.

David M. Finkelstein trong nghiên cứu Chiến Lược Quân Sự Quốc Gia Của Trung Quốc (China’s National Military Strategy) tổng kết ba mục tiêu của Trung Cộng theo thứ tự: (1) bảo vệ đảng và bảo vệ ổn định, (2) bảo vệ chủ quyền và chống lại sự xâm lược, và (3) hiện đại hóa quân đội và xây dựng quốc gia. Trong số ba mục tiêu trên “bảo vệ đảng” đứng đầu.

Quan điểm về “bảo vệ chủ quyền” của Trung Cộng, cũng theo David M. Finkelstein, không chỉ chủ quyền trên lục địa Trung Quốc mà bao gồm cả khu vực mà giới cai trị Trung Cộng gọi là “Biển Nam Trung Hoa lịch sử”.

Tham vọng là một chuyện, thực hiện được tham vọng là chuyện khác. Muốn thống trị Á Châu, Trung Cộng phải vượt qua được Mỹ về kinh tế và nhất là kỹ thuật chiến tranh.

Hầu hết các nhà nghiên cứu và phân tích quốc phòng đều đồng ý về kỹ thuật chiến tranh Trung Cộng còn thua quá xa Hoa Kỳ. “Thua quá xa” là bao nhiêu tùy thuộc vào thể loại vũ khí và các mẫu dữ kiện dùng để phân tích của mỗi nhà nghiên cứu.

Chẳng hạn, theo nghiên cứu về sức mạnh nguyên tử của Trung Cộng 2019 (Chinese nuclear forces, 2019) của Hans M. Kristensen, Giám đốc Đề Án Thông Tin Nguyên Tử thuộc Liên Đoàn Khoa Học Gia Hoa Kỳ (Director of the Nuclear Information Project with the Federation of American Scientists), nếu chỉ tính đầu đạn nguyên tử, Mỹ hiện có 5,800 đầu đạn trong lúc Trung Cộng chỉ có 290 đầu đạn. Trung Cộng không ngừng gia tăng sản xuất vũ khí nguyên tử với hy vọng mười năm nữa trong kho sẽ có từ 400 đến 500 đầu đạn.

Bài học Chiến Tranh Triều Tiên cho các nhà chiến lược Mỹ thấy không thể ngăn chận sức tấn công biển người của Trung Cộng trong chiến tranh quy ước. Để đánh bại Trung Cộng, chiến tranh hạt nhân phải được đặt ra. Thật ra ngay cả trong chiến tranh Triều Tiên, đối diện với chiến thuật biển người của Trung Cộng, việc sử dụng bom nguyên tử cũng đã được nghĩ tới mặc dù Thống tướng Douglas MacArthur chưa bao giờ chính thức yêu cầu.

Bất cứ chuyện gì cũng có thể xảy ra từ thời điểm này cho đến khi Trung Cộng công khai thách thức Mỹ về quân sự. Các bài học lịch sử cho thấy một biến cố nhỏ có thể khơi mào cho một cuộc xung đột chiến tranh lớn.

Tuần rồi Trung Cộng bắn hai hỏa tiễn vào Biển Đông như một cách để trả đũa việc máy bay thám thính U-2 của Mỹ bay trong khu vực Trung Cộng gọi là “vùng cấm bay quân sự” (No-fly zone). Hai hỏa tiễn, một DF-26 có tầm xa 4,000 km và một DF-21 có tầm xa khoảng 1,800 km. Cả hai rơi vô hại trong khu vực giữa Hoàng Sa và Hải Nam.

Khi đọc bản tin Trung Quốc bắn cảnh cáo người viết thầm ước phải chi xạ thủ Trung Cộng lỡ tay bắn lạc về hướng của một trong những khu trục hạm nguyên tử của Mỹ như USS Barry, USS Mustin, USS Rafael hay bắn lạc vào hướng của hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan đang tuần tra khu vực Tây Thái Bình Dương hoặc USS Nimitz đang tuần tra khu vực Đông Thái Bình Dương.

Bộ Tư Lịnh Không Lực Thái Bình Dương Hoa Kỳ (US Pacific Air Forces) xác nhận U-2 có bay nhưng không vi phạm luật quốc tế nào và sẽ tiếp tục bay. Bản thông cáo báo chí viết: “Một chuyến bay của U-2 đã được tiến hành trong khu vực hoạt động của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và trong khuôn khổ các quy tắc và quy định quốc tế được chấp nhận. Không Lực Thái Bình Dương sẽ tiếp tục bay và hoạt động ở bất kỳ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép, vào thời điểm và nhịp độ do chúng tôi lựa chọn."

Chiến tranh Châu Á bùng nổ một cách đột biến, ngoài dự tính và không chuẩn bị của các bên là giải pháp nhanh gọn và là con đường ngắn nhất để chận đứng tham vọng bành trướng của Tập Cận Bình trên Biển Đông.

Tại sao?

Bởi vì mười năm hay hai chục năm nữa hệ thống quốc phòng của CSVN, Philippines, Mã Lai hay các nước nhỏ quanh Trung Cộng cũng không thay đổi và cho dù có cải tiến cũng chẳng làm mới được bao nhiêu.

Tuy nhiên, một năm đối với Trung Cộng là một bước thay đổi lớn. Giống như Hitler chạy đua với thời gian từ 1935 đến 1939 để đưa quân số Đức từ một trăm ngàn lên đến hơn bốn triệu, Tập Cận Bình chủ trương hiện đại hóa quốc phòng bằng mọi cách kể cả tung gián điệp để mua chuộc những kẻ ham tiền hay bần tiện hơn là ăn cắp.

Nhật Bản và Hoa Kỳ, trong lãnh vực an ninh và quốc phòng, đang gần nhau hơn bao giờ hết. Xung đột biên giới giữa Ấn Độ và Trung Cộng đang diễn ra không chỉ còn trong bàn hội nghị mà cả ngoài mặt trận. Vòng vây Trung Cộng mỗi thời kỳ thêm siết chặt nhưng sẽ rất chậm vì các quan hệ kinh tế thương mại chồng chéo lên nhau.
Chiến tranh bùng nổ dù là chiến tranh giới hạn, các nước nhỏ trong vùng cũng sẽ không thể tiếp tục chính sách “đu dây”, “bắt cá hai tay” hay “trung lập” mà buộc phải chọn một bên. Các chế độ độc tài, nhu nhược, đi ngược với quyền lợi sống còn của dân tộc sẽ bị nhân dân lật đổ. Vì quyền lợi hậu chiến các nước phát triển sẽ đóng vai trò tích cực hơn trong việc nhổ cây đinh Trung Cộng hay ít nhất đẩy Trung Cộng trở vào lục địa.

Giới cầm quyền Trung Cộng khi đó sẽ đứng trước viễn ảnh bị vỡ nát theo một cuộc chiến tranh toàn diện hay thỏa hiệp để bảo vệ lục địa. Nếu chọn lựa bảo vệ lục địa, nhiệm vụ bảo vệ đảng của quân đội sẽ quan trọng hơn bảo vệ chủ quyền trên các hải đảo xa xôi. Các “status quo” dưới hình thức đảo nhân tạo do Trung Cộng đơn phương thiết lập sẽ bị tháo gỡ.

Đó là những viễn ảnh đầy lý tưởng. Đưa ra những hình ảnh lạc quan không phải để rồi đắp chiếu ngủ chờ ngày mai trời sẽ sáng, Trung Cộng sẽ sụp đổ, đảng CS sẽ bước xuống nhưng để cùng nhau nỗ lực để đưa đất nước ra khỏi chế độ độc tài CS mở đường hội nhập vào dòng sống dân chủ văn minh của nhân loại và thời đại.

Con đường trước mặt rất gian nan nhưng sẽ rất vinh quang.

Trần Trung Đạo
Viết lần đầu 3 tháng 9, 2020

Friday, June 28, 2024

VI. TỔ CHỨC CÁC VÙNG CHIẾN THUẬT, QUÂN ĐOÀN, TIỂU KHU (Tài Liệu Việt Cộng tham khảo)

https://www.quansuvn.net/index.php?PHPSESSID=4g5f026km1pagoo9lfu4val4g4&topic=30213.40

VI. TỔ CHỨC CÁC VÙNG CHIẾN THUẬT, QUÂN ĐOÀN, TIỂU KHU

        1. Quá trình tổ chức
        Theo sắc lệnh ngày 13 tháng 4 năm 1961 (Quá trình cuộc chiến tranh xâm lược và quy luật hoạt động của Mỹ, ngụy trên chiến trường B2 (Dự thảo). Phòng tổng kết địch thuộc Ban tổng kết chiến tranh B2. 1984. tr. 97), tổng thống Ngô Đình Diệm quyết định giải tán các tổ chức quân khu, chia lãnh thổ thành các vùng chiến thuật, khu chiến thuật, tiểu khu (tỉnh) và chi khu (quận), đặc biệt chú trọng kiện toàn cấp tiểu khu và chi khu nhằm tạo điều kiện cho việc càn quét và bình định từng địa phương trên toàn miền Nam Việt Nam. Bên cạnh đó, Diệm còn thành lập các quân đoàn mỗi quân đoàn biên chế từ hai đến bốn sư đoàn. Toàn miền Nam Việt Nam chia thành ba vùng chiến thuật. Mỗi vùng do một quân đoàn phụ trách. Bộ tư lệnh quân đoàn đồng thời là bộ tư lệnh vùng chiến thuật.

        Vùng 1 chiến thuật do Quân đoàn 1 phụ trách gồm các tỉnh từ Quảng Ngãi ra vĩ tuyến 17.

        Vùng 2 chiến thuật do Quân đoàn 2 phụ trách gồm các tỉnh cao nguyên và cực Nam Trung Bộ (từ Bình Định trở vào).

        Vùng 3 chiến thuật do Quân đoàn 3 phụ trách gồm các tỉnh Nam Bộ (kể cả miền Đông, miền Tây và một số tỉnh miền Trung).

        Từ năm 1963 (Quá trình cuộc chiến tranh xâm lược và quy luật hoạt động của Mỹ, ngụy trên chiến trường B2 (Dự thảo). Phòng tổng kết địch thuộc Ban tổng kết chiến tranh B2. 1984. tr. 112), chính quyền Sài Gòn tách các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long khỏi Vùng 3 chiến thuật để tổ chức thêm Vùng 4 chiến thuật và Quân đoàn 4 được thành lập. Như vậy, cho đến trước năm 1969, quân đội Sài Gòn tổ chức lãnh thổ và lực lượng quân đội thành bốn vùng chiến thuật. Mỗi vùng chiến thuật do một quân đoàn được chỉ định kiêm nhiệm. Trực thuộc các vùng chiến thuật có các khu chiến thuật và biệt khu. Mỗi khu chiến thuật do một sư đoàn bộ binh được chỉ định kiêm nhiệm.

        Vùng 1 chiến thuật - Quân đoàn 1:

        Vùng 1 chiến thuật - Quân đoàn 1 thành lập ngày 1 tháng 6 năm 19572 (Encydopedia of the Vietnam war. Nxb Staley I. Kutler, 1996, tr. 379), bao gồm các tỉnh: Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Đà, Quảng Tín và Quảng Ngãi. Sở chỉ huy Vùng 1 chiến thuật đóng tại Đà Nẵng. Các khu chiến thuật trực thuộc Vùng 1 là Khu chiến thuật 11 (sở chỉ huy đóng tại Huế) gồm các tiểu khu Quảng Trị và Thừa Thiên; Khu chiến thuật 12 (Sở chỉ huy đóng tại Tam Kỳ) gồm các tiểu khu Quảng Ngãi, Quảng Tín và Biệt khu Quảng Nam - Đà Nẫng.

        Tư lệnh Vùng 1 chiến thuật - Quân đoàn 1 từ năm 1957-1975:
        - Trung tướng Trần Văn Đôn: 15-10- 1957 đến 7-12-1962.
        - Thiếu tướng Lê Văn Nghiêm: 7-12-1962 đến 21-8-1963.
        - Thiếu tướng Đỗ Cao Trí: 21-8-1963 đến 11-12-1963.
        - Trung tướng Nguyễn Khánh: 11-12-1963 đến 30-1-1964.
        - Thiếu tướng Tôn Thất Xứng: 30-1-1964 đến 14-11-1964.
        - Trung tướng Nguyễn Chánh Thi: 14-11-1964 đến 14-3-1966.
        - Thiếu tướng Nguyễn Văn Chuẩn: 14-3-1964 đến 9-4-1966.
        - Trung tướng Tôn Thất Đính: 9-4-1966 đến 15-5-1966.
        - Thiếu tướng Huỳnh Văn Cao: 15-5-1966 đến 20-5-1966.
        - Tướng Trần Thanh Phong: 20-5-1966 đến 30-5-1966.
        - Trung tướng Hoàng Xuân Lãm: 30-5-1966 đến 3-5-1972.
        - Trung tướng Ngô Quang Trưởng: 3-5-1972 đến 30-4-1975.

        Vùng 2 chiến thuật - Quân đoàn 2

        Vùng 2 chiến thuật - Quân đoàn 2 thành lập ngày 1 tháng 10 năm 1957 (Encydopedia of the Vietnam war. Nxb Staley I. Kutler, 1996, tr. 379), hoạt động tác chiến ở toàn bộ vùng cao nguyên miền Trung và vùng duyên hải Nam Trung Bộ, bao gồm các tỉnh Kon Tum, Lây Cu, Phú Bổn, Bình Định, Phú yên, Đắc Lắc, Khánh Hoà, Quảng Đức, Tuyên Đức, Ninh Thuận, Lâm Đồng và Bình Thuận. Trong Vùng 2 chiến thuật có vùng chiến thuật đặc biệt bán tự trị, gọi là Biệt khu 24 đóng tại thị xã Kon Tum do Trung đoàn độc lập 24 đảm nhiệm, bao gồm toàn bộ khu biên giới giáp Lào (Thành lập tháng 7 năm 1966 và giải thể vào tháng 4 năm 1970).
        Sở chỉ huy Vùng 2 chiến thuật đóng tại Pleiku bao gồm Khu chiến thuật 22 (sở chỉ huy ở Quy Nhơn) có các tiểu khu Bình Định, Phú Yên, Phú Bổn; Khu chiến thuật 23 (sở chỉ huy ở Buôn Ma Thuột) gồm các tiểu khu Đắc Lắc, Tuyên Đức, Quảng Đức, Khánh Hoà, Lâm Đồng, Bình Thuận, Nịnh Thuận.

        Tư lệnh Vùng 2 chiến thuật - Quân đoàn 2 từ năm 1957-1975.

        - Thiếu tướng Trần Ngọc Tám: 1-10-1957 đến 13-8-1958.
        - Thiếu tướng Tôn Thất Đính: 13-8-1958 đến 20-12-1962.
        - Trung tướng Nguyễn Khánh: 20-12-1962 đến 12-12-1963.
        - Trung tướng Đỗ Cao Trí: 12-12-1963 đến 15-9-1964.
        - Thiếu tướng Nguyễn Hữu Có: 15-9-1964 đến 25-6-1965.
        - Trung tướng Vĩnh Lộc: 25-6-1965 đến 28-1-1968.
        - Trung tướng Lữ Lan: 28-1-1968 đến 28-8-1970.
        - Trung tướng Ngô Du: 28-8-1970 đến 30-10-1974.
        - Thiếu tướng Phạm Văn Phú: 30-10-1974 đến 1-4-1975.



Các Đơn Vị của Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH (Tài liệu Việt Cộng)

Phòng 2 (tình báo)
        a) Nhiệm vụ
         Phòng 2 có nhiệm vụ theo dõi tình hình quân sự của đối phương trong nước và các quốc gia lân cận như Lào và Cam-pu-chia; nhận định và ước tính khả năng quân sự của đối phương; cung cấp và yểm trợ tin tức cho các đơn vị tác chiến; phối hợp với Tổng cục Quân huấn để tổ chức, huấn luyện cán bộ quân báo; phối hợp với Phòng 1 (Bộ Tổng tham mưu) trong kế hoạch bổ sung nhân viên quân báo các cấp
        b) Tổ chức biên chế
         Quân số của Phòng 2 có khoảng 300 người (không kể quân số của hai đơn vị 101 và 306 là những đơn vị sưu tầm, yểm trợ về chuyên môn cho Phòng 2). Phòng 2 được tổ chức thành các khối:
        Khối quốc nội: quân số 100 người; chỉ huy trưởng là trung tá; có nhiệm vụ theo dõi tình hình trong nội địa miền Nam Việt Nam. Khối quốc nội bao gồm các ban: Ban quốc nội Vùng chiến thuật 1, 2, 3, 4; Ban ước tính (báo cáo tháng, năm, thống kê thiệt hại đối phương); Ban nghiên cứu (về tổ chức các binh quán chủng đối phương ở Việt Nam).
        Khối quốc ngoại: quân số 50 người; chỉ huy trưởng là trung tá; có nhiệm vụ theo dõi tình hình miền Bắc Việt Nam và sự viện trợ của các nước phe xã hội chủ nghía cho Bắc Việt Nam; tình hình quân sự, chính trị của Lào, Cam-pu-chia. Khối bao gồm các ban: Đông Nam Á (13 người); Bắc Việt (15 người); Ban nghiên cứu (15 người) chuyên viết các bài diễn văn cao cấp, xã luận báo chí; Ban liên lạc ngoại quốc (5 người) chuyên khai thác báo cáo của các tuỳ viên quân sự miền Nam Việt Nam ở nước ngoài gửi về (trừ Lào và Cam-pu-chia).
        Khối sưu tập: quân số 70 người; chỉ huy trưởng là trung tá; có nhiệm vụ theo dõi, kiểm soát lưu trữ các nguồn tin do mật báo viên cung cấp, các bản cung tù binh, hồi chánh; thiết lập các bản yêu cầu điều tra, hành lang, không ảnh, không thám, hệ thống kho tàng, ra-đa, không quân hệ thống ống dẫn dấu, máy bay của miền Bắc Việt Nam. Khối sưu tập bao gồm các ban: Ban phối hợp sưu tầm (15 người), làm các yêu cầu điều tra miền Bắc, miền Nam và hành lang; Ban không thám ảnh (20 người); Ban liên lạc không thám (18 người), làm yêu cầu và theo dõi không ảnh; Ban kiểm soát nguồn tin (17 người), theo dõi và lưu trữ các nguồn tin khai thác tù hàng binh, hồi chánh, mật báo viên, thống kê các tù binh, hồi chánh.
        Khối kế, huấn, tổ: có nhiệm vụ theo dõi quân số, nhân viên quân báo cáo cấp và nầm bản đồ các loại và huấn luyện nhân viên quân báo các cấp.
        c) Các đơn vị trực thuộc
        Để giúp Phòng 2 về phương diện sưu tầm tin tức và chuyên môn, còn có hai đơn vị trực thuộc: 101 và 306.

        Đơn vị 101 có quân số 700 người với năm biệt đội sưu tập ở bốn quân khu và Biệt khu Thủ đô mang tên Đoàn 65, 66, 67, 68 và 69.

        Đơn vị 306 có quân số là 300 người, được tổ chức sau khi Mỹ đưa quân ồ ạt vào miền Nam. Lúc đầu, đơn vị này có năm trung tâm hỗn hợp:

        Trung tâm quân báo hỗn hợp: có nhiệm vụ cung cấp cho Phòng 2 (Bộ Tổng tham mưu Quân lực việt Nam Cộng hoà) và Phòng 2 (Bộ Tư lệnh MACV) những tin tức khai thác liên quan đến lực lượng đối phương như không ảnh, thiết lập những bản đồ binh địa, theo dõi tình hình cầu cống, đường sá, địa thế đường mòn Hồ Chí Minh và những đường giao hên nội địa của Quân giải phóng.
        Trung tâm khai thác tài liệu hỗn hợp: có nhiệm vụ tập trung tất cả tài liệu do các quân khu, quân đoàn, sư đoàn, tiểu khu tịch thu được của đối phương trên các chiến trường, địa phương gửi về, kể cả báo chí, sách, phim ảnh của miền Bắc để khai thác rồi báo cáo cho Phòng 2 (Bộ Tổng tham mưu) và Phòng Tình báo (Bộ Tư lệnh MACV) sử dụng phổ biến cho các nơi liên quan.
        Trung tâm khai thác quân dụng hỗn hợp: quân số 30 người, có nhiệm vụ khai thác các loại vũ khí đạn dược, quân dụng tịch thu được của đối phương. Nhân viên của Trung tám khai thác quân dụng hỗn hợp phần lớn là chuyên viên các cục quân nhu, quân y, quán cụ, truyền tin biệt phái sang. Trung tâm này tổ chức thành các toán lưu động ở bốn quân khu. Sau khi khai thác xong sẽ biên soạn thành sách nhan đề "Chiến cụ của Việt cộng" để phổ biến rộng rãi cho các đơn. vị quân đội Mỹ và Việt Nam Cộng hoà. Riêng các loại vũ khí hiện đại như hỏa tiễn, SAM2, AT3 do chuyên viên Mỹ khai thác.
        Trung tâm thẩm vấn hỗn hợp: quân số 70 người, có nhiệm vụ xét hỏi tù binh, hồi chánh quan trọng hoặc có sự hiểu biết nhiều, thông thường tử cấp đại đội trở lên, sau đó lập thành các bản cung. Khi tình hình chiến sự căng thẳng, trung tâm này thường tăng phái các nhân viên cho các quán khu, quân đoàn.
        Trung tâm quản trị quân báo: có nhiệm vụ theo dõi và quản trị số nhân viên quân báo từ cấp hạ sĩ quan trở xuống, quản trị các đội quân báo của quân đoàn, sư đoàn, các đơn vị quân báo biệt phái đi với Mỹ.
        Sau khi Mỹ rút quân khỏi miền Nam Việt Nam (30-6-1973), Đơn vị 306 chuyển các trung tâm hỗn hợp trên thành các khối.
        d) Mức độ tin cậy từ các nguồn tin do Phòng 2 (Bộ Tổng tham mưu) sắp xếp.
        Ưu tiên 1: Tin của Phòng 7 (trinh sát kỹ thuật).
        Ưu tiên 2: Ảnh không thám.
        Ưu tiên 3: Tin của Nha Kỹ thuật tung gián điệp, biệt kích ra miền Bắc Việt Nam).
        Ưu tiên 4: Sở liên lạc theo dõi các mật khu ở miền Nam và đường mòn Hồ Chí Minh.
        Ưu tiên 5: Cung tù binh, hồi chánh.
        Ưu tiên 6: Tài liệu thu được.
        Ưu tiên 7: Tin của các quân khu, quân đoàn...
        Ưu tiên 8: Mật báo viên của Đơn vị 101 (tin ít người sử dụng).

       e) Các nguồn tin tình báo
         Các tin tức tình báo thường được lấy từ các nguồn: Uỷ ban phối hợp tình báo quốc gia do tướng Đặng Văn Quang là phụ tá quân sự và an ninh Phủ tổng thống phụ trách; Phủ đặc uỷ tình báo; Phòng 2 (Bộ Tổng tham mưu); Phòng 7, Nha Kỹ thuật; Sở Liên lạc; Bộ Tư lệnh Cảnh sát quốc gia; Bộ Chiêu hồi.


Phòng 3 (tác chiến)
        a) Nhiệm vụ
         Phòng 3 trực thuộc Bộ Tổng tham mưu, có nhiệm vụ phụ tá cho tham mưu trưởng về các vấn đề tổ chức, sử dụng lực lượng hành quân và an ninh lãnh thổ, bình định nông thôn; trực tiếp phụ trách Trung tâm hành quân chiến thuật và Trung tâm hành quân đặc biệt (điện tử).
        b) Tổ chức biên chế
         Tổ chức chỉ huy của Phòng 3 gồm có trưởng phòng, phụ tá trưởng phòng vế nghiên - kế (nghiên cứu và kế hoạch) ; phụ tá trưởng phòng về hành quân. Phòng 3 được tổ chức thành bảy khối:
        Khối tổ chức: có nhiệm vụ tổ chức, xây dựng kế hoạch lúc lượng theo kế hoạch dài hạn, ngắn hạn của Phòng 5; phối hợp với MACV dự trù các nhu cầu quân lực. Khối này gồm Ban kế hoạch - quân số (có tiểu ban quân chủng, lãnh thổ, binh chủng); Ban tổ chức; Ban nghiên cứu; Ban bảng cấp số (có tiểu ban điều hành xét duyệt, tiểu ban tu chỉnh bảng cấp so).
         Khối kế hoạch: có nhiệm vụ lập kế hoạch hành quân trung hạn, ngắn hạn, đặc biệt và theo dõi cách phục hồi các đơn vị. Khối có Ban kế hoạch; Ban kế hoạch đặc biệt; Ban nghiên cứu; Ban binh, quân chủng.
         Khối bình định phát triển: gồm có Ban nghiên cứu kế hoạch (yểm trợ bình định phát triển và tăng cường địa phương quân - nghĩa quân - phòng vệ dân sự); Ban bình định phát triển theo dõi kết quả bình định, chiêu hồi, phượng hoàng, toán dân sự vụ; Ban lãnh thổ chuyên kiểm tra, theo dõi lực lượng lãnh thổ về tổ chức trang bị, huấn luyện, kế hoạch phòng thủ các thị trấn, thị xã, đô thị, đồn bốt, căn cứ, kiểm tra tại chỗ kế hoạch phòng thủ, an ninh; Ban tư liệu thống kê; Ban kiểm đốc.
         Khối hành quân: có nhiệm vụ theo dõi các cuộc hành quân đang được tiến hành; tổng hợp, làm báo cáo và đề đạt sử dụng lực lượng tổng trù bị, lực lượng đồng minh. Khối bao gồm: Ban hành quân; Ban kinh nghiệm tác chiến; Ban thống kê thuyết trình; Ban an ninh di chuyển; Ban hành quân địa giới. Khối tác huấn, quân lễ: gồm có Ban nghiên huấn, Ban kinh nghiệm chiến trường (phân tích, xác định các điểm mạnh, yếu); Ban quân lễ (kiểm tra, hướng dẫn các cuộc tiếp, đón khách quốc tế, quân đội các nước, duyệt binh...).
        Khối an ninh lãnh thổ: gồm có Ban nghiên cứu - thiết kế; Ban an ninh diện địa có các sĩ quan theo dõi địa giới, sĩ quan đồn bốt cơ sở, đường sá, cầu cống, sông ngòi; Ban hóa quang.
        Khối điều hành không yểm chiến thuật: có nhiệm vụ phối hợp với không quân Mỹ và Việt Nam Cộng hoà để yểm trợ cho các cuộc hành quân. Khối bao gồm Ban điều hành; Ban liên lạc lục quân.

        c) Trung tâm hành quân chiến thuật
         Trung tâm hành quân chiến thuật trực thuộc Phòng 3 (Bộ Tổng tham mưu) là một sở chỉ huy, trong đó tập trung một số sĩ quan và phương tiện liên lạc truyền tin cần thiết để kiểm soát va phối hợp những cuộc hành quân chiến thuật. Trưởng phòng 3 đồng thời là giám đốc Trung tâm hành quân chiến thuật. Đây là đơn vị phải làm việc 24 trên 24 giờ. Thành phản nhân viên của trung tâm bao gom các sĩ quan Phòng 2, Phòng 3, yểm trợ (pháo binh), không quân chiến thuật, kiểm lưu không phận, chiến tranh chính trị, hóa học, truyền tin và các đại diện khác có thể có trong Trung tâm hành quán khi có nhu cầu và cần thiết. 


Phòng 5 (kế hoạch)
        a) Nhiệm vụ
         Phòng 5 (Bộ Tổng tham mưu) có nhiệm vụ soạn thảo các kế hoạch chiến lược, các kế hoạch và chương trình phát triển tổ chức Quân lực việt Nam Cộng hoà theo đường lối của Bộ Quốc phòng hoạch định; tham gia soạn thảo các kế hoạch hên minh với lực lượng đồng minh khi được chỉ thị; nghiên cứu các dự án hoặc kế hoạch đặc biệt theo chỉ thị của thượng cấp; viết lịch sử quân đội và các cuộc chiến tranh hiện tại.
        b) Tổ chức biên chế
        Phòng 5 cũng như một số phòng khác trong Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hoà được tổ chức theo các khối:
         Khối kế hoạch: có nhiệm vụ soạn thảo các kế hoạch tiến công chiến lược, phòng thủ chiến lược quốc gia (biên giới, duyên phòng, bảo vệ hải đảo); phát triển những đề nghị về chiến lược kinh tế, chính trị, quân sự liên quan đến chức năng nhiệm vụ của Quân lực Việt Nam Cộng hòa; phối hợp với các cơ quan chức năng của chính phủ lập các kế hoạch liên quan. Khối kế hoạch bao gồm Ban kế hoạch dài hạn (kế hoạch AB hàng năm...); Ban kế hoạch liên minh; Ban kế hoạch cấp thời đặc biệt; Ban kế hoạch phát triển (ví dụ như kế hoạch hậu chiến...).
        Khối nghiên cứu sách lược: có nhiệm vụ nghiên cứu phát triển và kiện toàn tổ chức Quân lực Việt Nam Cộng hoà; theo dõi sự phát triển của quân đội nước ngoài để bổ túc sự phát triển cho Quân lực việt Nam Cộng hoà; cung cấp ý kiến cho các cơ quan; quân, binh chủng những ý kiến về dự án phát triển, về .tổ chức, quân trang quân dụng, vũ khí... Khối bao gồm Ban nghiên cứu sách lược của Cộng sản; Ban nghiên cứu sách lược của Đồng minh; Ban nghiên cứu sách lược của Quân lực Việt Nam Cộng hoà.
         Khối sưu tầm: có nhiệm vụ sưu tầm, nghiên cứu tài liệu quốc nội, tài liệu quốc tế, dịch các tài liệu nước ngoài; khai thác, thống kê, phân tích và tổng hợp các tin tức và tài liệu; soạn thảo các bản ước tính về tình hình chiến lược quốc tế; soạn thảo các bản ước tinh về mục tiêu chiến lược trong sách lược quốc gia. Khối sưu tầm có Ban ước tính; Ban tài liệu; Ban lượng giá công tác cải tiến Quân lực việt Nam Cộng hoà; Thư viện.
        Khối quân sử: có nhiệm vụ viết lịch sử quân đội Việt Nam từ xưa đến nay (từ thượng cổ đến trung cổ trong chế độ quân chủ, từ năm 1949 đến năm 1953 trong khuôn khổ Liên hiệp Pháp, từ 1964 trong chế độ cộng hoà); tổng hợp các tài liệu về tổ chức và sự trưởng thành của Quân lực Việt Nam Cộng hoà; nghiên cứu soạn thảo và phổ biến quân sử; quản trị các tài liệu liên quan đến tổ chức và hoạt động của quân đội; lưu trữ tài liệu, thành lập và quản trị bảo tàng viện. Khối quân sử có Ban sử liệu và chiến tích; Ban soạn thảo quân sử; Ban điều hành bảo tàng viện quân đội; Ban nghiên cứu và phân tích.
        c) Sự khác nhau giữa nhiệm vụ của Phòng 3 và Phòng 5 (Bộ Tổng tham mưu) về phương diện kế hoạch và tổ chức.
         Phòng 5 là cơ quan đảm trách những kế hoạch về chiến lược chính sách và tổ chức có tính chất lâu dài. Trong khi đó, Phòng 3 là nơi phụ trách những kế hoạch về chiến thuật và tổ chức có tính chất ngắn hạn. Cụ thể:
        Phòng 3 có nhiệm vụ thiết lập các kế hoạch ngân hạn đặc biệt và kế hoạch trung hạn cho quân lực cùng các kế hoạch hỗn hợp tương tự với lực lượng đồng minh; phát triển, phối hợp và đề nghị những vấn đề về chiến thuật, quan mềm về chính sách để điều khiển các cuộc hành quân của quân lực Việt Nam Cộng hoà; cứu xét, phát triển và đề nghị nhu cầu đơn vị quân lực để yểm trợ các kế hoạch hành quân; nghiên cứu tổng quát việc sử dụng Quân lực Việt Nam Cộng hoà và lực lượng Đồng minh trên phương diện chiến thuật.
        Phòng 5 có nhiệm vụ thiết lập các kế hoạch trung và dài hạn cho Quân lực Việt Nam Cộng hoà cùng kế hoạch phối hợp với Đồng minh; phát triển và chuẩn bị những kế hoạch chiến tranh liên minh, chiến lược và chính sách quân sự thuộc Quân lực việt Nam Cộng hoà; phát triển và đề nghị về chiến lược kinh tế và chính trị, quân sự liên quan đến chức năng nhiệm vụ của Quân lực việt Nam Cộng hoà; phối hợp với các cơ quan liên quan của chính phủ trong việc thiết lập các kế hoạch liên quân; phát triển tổ chức quân lực dài hạn và quan niệm về yểm trợ những kế hoạch chiến lược của Quân lực Việt Nam Cộng hoà; soạn thảo các kế hoạch hậu chiến; nghiên cứu tổng quát và đề nghị việc sử dụng Quân lực Việt Nam Cộng hoà và Đồng minh đế yểm trợ cho mọi chiến lược quốc gia; nghiên cứu và đề nghị như cầu của từng đơn vị (số lượng và loại đơn vị nghiên cứu tổng quát và đề nghị việc sử dụng Quân lực Việt Nam Cộng hoà và Đồng minh trên phương diện chiến lược; nghiên cứu khả năng các đơn vị Quân lực Việt Nam Cộng hoà trên phương diện tổ chức và trang bị; nghiên cứu sử dụng các quân binh chủng Quân lực Việt Nam Cộng hoà; nghiên cứu và giải quyết các đề nghị liên quan giữa quân đội với dân sự và giữa Quân lực Việt Nam Cộng hoà với lực lượng Mỹ và Đồng minh; soạn thảo các kế hoạch sử dụng quy chế hay thỏa ước về các lực lượng Đồng minh.


Phòng 6 (truyền tin - điện tử)
        a) Nhiệm vụ
         Phòng 6 là cơ quan chỉ đạo truyền tin điện tử cho cả ba quân chủng lục quân, không quân và hải quân; là cơ quan đảm tránh và phối hợp mọi vấn đề liên quan đến truyền tin điện tử cùng mật mã liên quân, liên bộ và Đồng minh (trừ phần truyền tin điện tử đặc biệt) ; nghiên cứu và ban hành sách lược, kế hoạch tổng quát về truyền tin điện tử cùng mát mã liên quân; phê duyệt các kế hoạch và dự án truyền tin điện tử hai quân, lục quân, không quân và các bộ, đồng thời giám sát việc thi hành.
        b) Tổ chức biên chế
        Phòng 6 được tổ chức thành các khối:
         Khối kế hoạch: gồm Ban kế hoạch; Ban kiểm kê và giám sát; Ban liên lạc và nghiên cứu; Ban truyền tin địa phương quân, nghĩa quân và xây dựng nông thôn.
        Khối khai thác: có Ban khai thác; Ban tần số; Ban cáp, mạch viễn liên; Ban viễn liên.
        Khối mật mã: có Ban kế hoạch, huấn luyện; Ban nghiên cứu kỹ thuật; Ban điều hành.
         Khối kỹ thuật điện tử: có Ban vô tuyến và trung tâm truyền tin; Ban kỹ thuật vô tuyến và trung tâm truyền tin Ban kỹ thuật hữu tuyến và tổng đài; Ban không kiểm trợ.
        Khối nghiên cứu sưu tầm: có Ban khai thác; Ban tiếp vận.
        c) Đơn vị truyền tin
        Các đơn vị truyền tin của Phòng 6 (Bộ Tổng tham mưu) bao gồm: Cục Truyền tin: là cơ quan chỉ huy binh chủng truyền tin.
         Các đơn vị khai thác truyền tin diện địa: có nhiệm vụ bảo đảm liên lạc về chỉ huy, hành chính, tiếp vận cho tất cả các cơ quan đơn vị toàn miền, kể cả không quân và hải quân. Trên cơ sở đó, các đơn vị này được tổ chức thành các liên đoàn và tiểu đoàn truyền tin diện địa gồm Tiểu đoàn 610 khai thác truyền tin thuộc Vùng 1 chiến thuật; Tiểu đoàn 66 khai thác truyền tin thuộc Vùng 2 chiến thuật; Tiểu đoàn khai thác truyền tin thuộc Vùng 3 chiến thuật; Tiểu đoàn khai thác truyền tin thuộc Vùng 4 chiến thuật.
        Các đơn vị khai thác truyền tin chiến thuật: có nhiệm vụ thiết lập các hệ thống liên lạc chiến thuật và nội bộ của các đơn vị chiến đấu bằng các vật liệu nằm trong bảng cấp số đơn vị. Biên chế ở các đơn vị truyền tin trong toàn bộ Quân lực Việt Nam Cộng hoà gồm Tiểu đoàn truyền tin thuộc Bộ Tổng tham mưu; Tiểu đoàn truyền tin thuộc các vùng chiến thuật, quân đoàn; Tiểu đoàn truyền tin các sư đoàn; Đại đội truyền tin Biệt khu Thủ đô; Đơn vị 123 truyền tin.
         Các đơn vị đặc biệt thuộc Phòng 6: gồm Trung tâm quy chuẩn lục quân có nhiệm vụ quy chuẩn tất cả các loại máy đo truyền tin cho các đơn vị truyền tin lục quân và kiểm soát các toán quy chuẩn lưu động tại các quân khu; Trung tâm điểu hành viễn liên có nhiệm vụ bảo đảm hệ thống viên liên quốc phòng một cách hoàn hảo, kiểm soát, quản đốc và chỉ đạo khai thác hệ thống truyền tin quốc phòng toàn miền Nam Việt Nam; Trung tâm điện ảnh truyền tin (trừ điện ảnh tâm lý chiến và quân báo) chuyên thực hiện phim huấn luyện; Đơn vị 600 tồn trữ, phân phối và bảo quản các quân dụng an ninh truyền tin gồm tài liệu mật mã và máy mã; Trung tâm quản trị vật liệu đặc biệt viễn liên bảo đảm sửa chữa các đài ICS.
         Ngoài ra, hệ thống truyền tin điện tử còn nằm trong thành phần tham mưu của các đơn vị lớn toàn quân như phòng 6 thuộc các quân đoàn, vùng chiến thuật, phòng truyền tin các sư đoàn và Biệt khu Thủ đô.
         Các đơn vị tiếp vận truyền tin của Phòng 6 (Bộ Tổng tham mưu): gồm Căn cứ 60 tiếp vận truyền tin (sau này giải thể và sáp nhập vào lục quân công xưởng); Trung tâm kiểm soát kế toán tất cả các quân dụng truyền tin thung cả ba quân chủng và các đơn vị quốc tế hoạt động ở miền Nam có nhiệm vụ chủ yếu là tân trang lại các quân dụng truyền tin.


Phòng 7 (trinh sát và an ninh kỹ thuật)
        a) Vài nét về nhiệm vụ và quá trình thành lập của Phòng 7
         Nhiệm vụ trọng tâm cua Phòng 7 là chặn nghe và giải mã các mạng truyền tin về chiến lược và chiến thuật của đối phương ở miền Bắc và cả miền Nam Việt Nam; kiểm soát an ninh truyền tin quân sự, dân sự, an ninh mật mã của Việt Nam Cộng hoà.
        Ngày 14 tháng 2 năm 1963, Phòng 7 thuộc Bộ Tổng tham mưu được thành lập và trực thuộc hoàn toàn tham mưu trưởng liên quân. Đến tháng 11 năm 1964, Westmorland Tư lệnh Bộ chỉ huy Mỹ ở miền Nam Việt Nam đề nghị tăng cường Phòng 7 để kiểm soát an ninh mật mã toàn lãnh thổ miền Nam Việt Nam. Một uỷ ban được thành lập bao gồm Phủ đặc Uỷ, Bộ Quốc phòng, Phòng 7 để nghiên cứu và cải biến Phòng 7 thành Tổng nha An ninh kỹ thuật quốc gia (dựa trên tổ chức NSA - National Security Agency của Mỹ) nhưng Nguyễn Khánh (khi đó là tổng thống Việt Nam Cộng hoà) chỉ thị xếp lại.
        Năm 1967, Toà đại sứ Mỹ đã nhiều lần thảo luận với Bộ Tổng tham mưu để nâng Phòng 7 lên bình diện quốc gia không đơn thuần chỉ là cơ quan an ninh của Bộ Tổng tham mưu. Vì vậy, ngày 17 tháng 5 năm 1968, Tham mưu Biệt bộ Phủ tổng thống đồng ý thành lập cơ quan an mnh kỹ thuật quốc gia trên cơ sở Phòng 7.
        Cuối năm 1968, sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân và các đợt tiến công tiếp theo của Quân Việt Cộng, Mỹ và Việt Nam Cộng hoà phát hiện đối phương hoạt động cả ở bốn quân khu từ vĩ tuyến 17 trở vào và nhận thấy tin trinh sát kỹ thuật rất hữu hiệu nên Toà đại sứ Mỹ và MACV đã thảo luận với Bộ Tổng tham mưu để tìm cách mở rộng Phòng 7.
        Đầu năm 1969, các biệt đội trinh sát kỹ thuật đặc biệt thuộc các sư đoàn bộ binh đã được thành lập và sau đó là các trung tâm kỹ thuật tại các quân khu.

        Ngày 1 tháng 5 năm 1969, ngành an ninh kỹ thuật đặc biệt chính thức ra đời bao gồm Phòng 7 (Bộ Tổng tham mưu); các Đơn vị 15, 16, 17 (phối hợp với Phi đoàn 718/EC47 thuộc Sư đoàn không quân số 5 Quân lực Việt Nam Cộng hoà); các trung tâm kỹ thuật quân khu, các biệt đội kỹ thuật đặc biệt thuộc các sư đoàn bộ binh và lực lượng tổng trù bị.
        Ngày 25 tháng 1 năm 1973, trước khi Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam được ký kết, Uỷ ban liên lạc đặc biệt tại Đại sứ quán Mỹ và cơ quan đại diện Bộ Quốc phòng Mỹ đã đến họp với Phòng 7 duyệt lại phương án mở rộng chức năng của ngành an ninh kỹ thuật, đặc biệt để xem xét về mọi nhu cầu cần được Mỹ yểm trợ sau ngừng bắn. Theo nội dung Hiệp định Pa-ri đã được ký kết, Mỹ không thể yểm trợ kỹ thuật cho một đơn vị quân sự mà chỉ có thể yểm trợ cho một cơ quan dân sự cấp quốc gia thuộc Phủ tổng thống. Vì vậy, Phòng 7 (Bộ Tổng tham mưu) đã được cải tổ thành "Tổng nha An ninh kỹ thuật quốc gia" trực thuộc Phủ tổng thống để tiếp tục nhận sự yểm trợ của Mỹ sau khi ngừng bắn.

        b) Tổ chức biên chế
        Phòng 7 có quân số là 3.661 người, bao gồm cơ quan tham mưu và các khối trực thuộc.
         Cơ quan tham mưu: quân số 125 người, trong đó có 51 sĩ quan, 53 hạ sĩ quan, 21 binh sĩ. Biên chế gồm Ban 1 (quân số 32 người), có nhiệm vụ hành chính quản trị nhân viên tiếp liệu của Phòng 7; Ban 2 (quân số 3 người), theo dõi điều tra lý lịch nhân viên toàn ngành.
        Khối 1 (khai thác tin tức), gồm bốn ban:
         Ban 3: quân số gồm có 6 người làm nhiệm vụ theo dõi bố trí binh lực của đối phương (trận liệt) và hành quân; liên lạc với Phòng 2, Phòng 3 (Bộ Tổng tham mưu) và Trung tâm hành quân để theo dõi và khai thác tình hình chiến sự.
        Ban 4: quân số có 13 người, là nơi khai thác tin tức tình báo qua truyền tin chiến thuật, qua tất cả các bản tin do Đơn vị 15, 16, 17 khai thác qua Phái bộ kỹ thuật Đài Loan phổ biến và tin của Ban liên hiệp quân sự thu qua điện đàm (Đơn vị 16).
         Ban 5: quân số 11 người, nơi khai thác tin tức Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Mặt trận dân tộc giải phóng, Đài BBC (do trung tâm Sài Gòn thu gửi tới)
        Ban 11: có nhiệm vụ khai thác tin tức thông tin chiến lược (do Mỹ cung cấp)1 (Vào thời gian này, quân đội Sài Gòn mới chỉ có một toán kiểm dịch khoảng 14 người hoạt động ở căn cứ Na-khon Pha-nom (đông bắc Thái Lan)). Nội dung thu chủ yếu là tin "xâm nhập" của miền Bắc Việt Nam vào Nam Việt Nam qua đường dây 559, tin hải quân miền Bắc, tin thực tập huấn luyện của không quân miền Bậc, tin hoạt động kinh tế của miền Bắc Việt Nam...
        Khối 2 (an ninh truyền tin) có nhiệm vụ thanh tra mật mã bạn, giám sát Ban 5, Ban 6 (Trung tâm truyền tin), gồm:
         Ban 6: quân số 8 người, có nhiệm vụ khai thác an mình truyền tin, thanh tra mật mã bạn (các đơn vị quân đội Sài Gòn thẩm tra cơ sở mật mã của lãnh thổ Nam Việt Nam và khai thác các dữ kiện an ninh truyền tin do Đơn vị 16 cung cấp).
        Ban 7: quân số 6 người, có nhiệm vụ liên lạc với Phòng 6 (Bộ Tổng tham mưu) lập thủ tục tham mưu để nhận tài liệu mật mã, máy rnã để cung cấp cho các đơn vị thuộc ngành.
        Ngoài ra, khối 2 còn có Trung tâm truyền tin dùng hệ thống viễn ẩn mã.
        Khối 3 (nghiên cứu, lập kế hoạch, tổ chức, huấn luyện và tiếp vận) gồm:
         Ban 8: quân số 20 người, có nhiệm vụ quản trị quân số, điều hoà tổ chức, bổ sung quân số toàn ngành, là cơ quan trung gian lập thủ tục tham mưu để nhận vật liệu máy móc, văn phòng phẩm cung cấp cho các đơn vị; liên lạc với Phòng 3 (Bộ Tổng tham mưu) lập bảng cấp số các đơn vị trong ngành; liên lạc với Phòng 6 (Bộ Tổng tham mưu) và Cục Truyền tin để nhờ sửa chữa máy móc; liên lạc với bộ phận tiếp vận lập kế hoạch xin viện trợ tiếp vận.

        Ban 9: quân số 3 người, có nhiệm vụ thanh tra định kỳ các trung tâm, các biệt đội, theo dõi các hoạt động của toán kỹ thuật hoạt động bên cạnh cấp trung đoàn và cấp tiểu khu; tổng kết, khen thưởng, thăng cấp.

        Ban 10 (huấn luyện): Có nhiệm vụ làm tham mưu, thủ tục phương trình huấn luyện toàn ngành; liên lạc vơi Tổng cục Quân huấn thành lập các kế hoạch huấn luyện trong năm, lập thu tụe tham mưu để gọi nhân viên đi thụ huấn các lớp huấn luyện về bộ binh tại các trường, các chuyên ngành chuyên môn khác. Ban 10 có liên hệ với các sĩ quan chuyên viên Đơn vị 15, 16, 17 để nghiên cứu và lập kế hoạch huấn luyện, bổ túc cho các chuyên viên, chương trình huấn luyện eho nhân viên mới tuyên dụng (nội dung huấn luyện về giải tích, mã thám, kiểm thính, sửa chữa, báo cáo do sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên viên hướng dẫn). Đâu cũng là nơi phân phối tài liệu huấn luyện do Tổng cục Quân huấn phổ biến.
c) Quan hệ giữa Phòng 7 và các đơn vị khác

        Phòng 7 có trách nhiệm chỉ huy, điểu hành tham mưu các đơn vị trực thuộc; là khâu trung gian yểm trợ vật liệu, máy móc, văn phòng phẩm; nhận xét, đúc kết, phổ biến các tin tức do các đơn vị, trung tâm, biệt đội kỹ thuật gửi về và được Mỹ yểm trợ; đôn đốc các đơn vị hoạt động, kiểm soát kỹ thuật; đề nghị thăng thưởng, ân thưởng cho toàn ngành; bổ sung quân số cho các đơn vị và có trách nhiệm tổ chức huấn luyện.

        Các đơn vị trực thuộc là nơi trực tiếp nhận và thực thi các mệnh lệnh của Phòng 7, gồm:

        Đơn vị 15: là cơ quan điểu hợp và sưu tầm tin tức tình báo truyền tin (giải tích, mế thám), yểm trợ các dữ kiện kỹ thuật cho Đơn vị 17, các trung tâm và biệt đội kỹ thuật, thiết lập các hệ thống điện đài theo dõi các đơn vị Quân giải phóng; mã dịch tất cả các công điện.

        Đơn vị 16: theo dõi mọi hồ sơ về an ninh truyền tin, chặn nghe các cuộc điện đàm của các cơ quan, đơn vị trong Quân lực việt Nam Cộng hoà; chặn nghe các cuộc điện đàm của Ban liên hiệp quân sự bốn bên (sau Hiệp nghị Pa-ri 1973).

        Đơn vị 17: là cơ quan xác định vị trí điện đài đối phương trên toàn lãnh thổ miền Nam bằng không vô tuyến trắc giác (định vị) phối hợp với hoạt động của không quân. kết quả thu nhận được sẽ báo cho Đơn vị 15 để đơn vị này sẽ xác định đúng các dữ kiện tin tức, sau đó báo lại cho Đơn vị 17.

        Trong thực tế, tình báo truyền tin Hoa Kỳ đã chuyển một phần lớn công tác kiểm thoại và định hướng các vị trí điện đài đặt ở mặt đất cho máy bay trên không để định vị vị trí đài đối phương, ghi âm các liên lạc truyền tin cao tần, siêu tần số và vi ba. Phương pháp này tuy tốn kém nhưng độ chính xác cao hơn.

        d) Quan hệ giữa Phòng 7 với Đài Loan và Mỹ

        Từ năm 1965-1968, Tổ viện trợ quân sự Đài Loan đặt một cơ sở kiểm thính Đài Loan tại Phú Bài do một đại tá phụ trách và 25 nhân viên. Sau Tết Mậu Thân (1968), do bị lực lượng Quân giải phóng tiến công dữ dội nên cơ sở này đã phải rút khỏi đây. Hằng ngày, Phòng 7 cho người đến lấy các bản tin về mọi hoạt động của quân đội miền Bắc ở miền Nam và Cam-pu-chia, lực lượng không quân miền Bắc (các phi trình, huấn luyện), tình hình chính trì, kinh tế (tàu biển Liên Xô, Trung Quốc vào cảng Hải Phòng...).

        Trước khi Hiệp định Pa-ri được ký kết, Mỹ có Cụm kỹ thuật số 509 đặt ở sân bay Tân Sơn Nhất gần trại Đa-vít (509th - RRGP/RADIO Researeh Group)1 (Cụm nghiên cứu tin tức qua hệ thống điện đài 509) trong khu vực Đơn vị 15. Cụm kỹ thuật 509 có bố trí hoạt động ở cà địa bàn Phú Bài và Na-khon Pha-nom (Thái Lan). Trước khi đơn vị 509 tới, Mỹ chỉ có một đơn vị trinh sát kỹ thuật cấp lữ đoàn ở miền Nam Việt Nam, đó là Lữ đoàn 3 trinh sát kỹ thuật (3rd - RRBD/RADIO Research Brigade). Sau Hiệp định Pa-ri, Mỹ buộc phải rút quân khỏi miền Nam Việt Nam nên chl còn để lại một số bộ phận trinh sát kỹ thuật nhỏ, là đại diện ở trong Cơ quan tuỳ viện quân sự Mỹ ở Nam Việt Nam (DAO) và SLU (Special Liaison Unit). Cán bộ phận này có liên lạc chặt chẽ với Toà đại sứ Mỹ.

        Các cơ quan trên có nhiệm vụ cho Đơn vị 15 biết các dữ kiện kỹ thuật; cung cấp máy móc, thiết bị cho Phòng 7 (Bộ Tổng tham mưu Quân lực việt Nam Cộng hoà) để trang bị cho các đơn vị biệt đội và các trung tâm; sửa chữa các loại máy móc đắt tiền; đặc biệt thu thập những dữ kiện kỹ thuật về giải tích và hệ thống mật mã do Đơn vị 15 đã thu thập được (SLU giúp phương tiện di chuyển, viện trợ tài chính, văn phòng phẩm) nhằm mục đích bổ sung vào công trình nghiên cứu, theo dõi của cơ quan NSA (Mỹ).

        Trong thời gian tồn tại ở Nam Việt Nam, cơ quan tình báo truyền tin của Mỹ đã cung cấp cho Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn các bản tin tuần có nội dung: Lực lượng các đơn vị của quân đội miền Bắc trong khu vực Quân khu 3 và Hữu Ngạn; tin liên quan đến các chiến dịch của Quân đội nhân dân Việt Nam ở Lào và Quân khu 4; tin hoạt động của hàng hải và lực lượng hải quân miền Bác về huấn luyện, các tàu viện trợ của các nước xã hội chủ nghĩa cập bến cảng Hải Phòng; tin không quân miền Bắc cất cánh và bay tập; tin dân sự như y tế, mỏ than, ngân sách, xây dựng đường sá và các trở ngại về vận chuyển hàng hoá, mưa bão, phòng chống lụt bão ở miền Bắc Việt Nam; việc vậh chuyển hàng hoá, đưa lực lượng từ Bắc Việt Nam vào Nam Việt Nam; vấn để di chuyển quân cua Quân đội nhân dân Việt Nam... Ngoài ra, Mỹ cũng đã đặt một trạm kiểm thính ở Na-khon Pha-nom (Thái Lan) để thu thập tin tức tình báo cần thiết phục vụ cho cuộc chiến tranh.
Tổng cục Quân huấn

        Tổng cục Quân huấn là trung tâm điều khiển hoạt động huấn luyện quân sự của Quân lực việt Nam Cộng hoà và các lực lượng khác trực thuộc Bộ Tổng tham mưu.

        a) Tổ chức biên chế

        Biên chế chỉ huy cơ quan Tổng cục Quân huấn gồm có tổng cục trưởng, tổng cục phó, tham mưu trưởng tổng cục và phụ tá phối hợp huấn luyện quốc tế quân viện.

        Trực thuộc tổng cục bao gồm các sở:

        Sở nghiên cứu kế hoạch: có Phòng chương trình huấn luyện thuộc các quân trường; Phòng nghiên cứu học chế; Phòng kế hoạch; Phòng phân tích thống kê; Phòng chương trình huấn luyện thuộc các trung tâm huấn luyện.

        Sở binh thư và sưu tầm binh thư: gồm Phòng sưu tầm binh thuyết; Phòng binh thư; Phòng điều hành; Phòng điều hành sinh hoạt chiến tranh chính trị; Uỷ ban xét duyệt binh thư, quân huấn.

        Sở quân trường: có các phòng, trường hên quân; phòng, trường chuyên môn; Phòng du học; phòng lượng giá huấn luyện.

        Sở trung tâm huấn luyện: có Phòng trung tâm huấn luyện; Phòng huấn luyện đơn vị; Phòng dân huấn; Phòng lượng giá huấn luyện.

        Sở hành chính yểm trợ: gồm Phòng nhân viên; Phòng tiếp liệu; Phòng ngân sách huấn luyện và phát triển căn cứ.

        Uỷ ban ngân sách chiến trường: có Ban điều hành; Ban sưu tầm; Ban nghiên cứu tổng quát.

        Văn phòng sưu tầm phát triển quân huấn: có Ban phát triển kỹ thuật huấn luyện; Ban phát triển tác xạ và huấn luyện thể chất.

        b) Các cơ quan trực thuộc và quân trường - trung tâm huấn luyện

        Toàn bộ Tổng cục Quân huấn có 68 quân trường, trung tâm huấn luyện. Trong đó:

        Cơ quan trực thuộc:

        Hai cơ quan trực thuộc của Tổng cục Quân huấn là Trung tâm trợ huấn luyện cụ và Trung tâm huấn luyện thính thị (nghe nhìn).

        Quân trường - trung tâm huấn luyện:

        Thuộc các quân, binh chủng chiến đấu: gồm bảy trường là chỉ huy tham mưu, võ bị Đà Lạt, bộ binh, hạ sĩ quan, thiếu sinh quân, pháo binh, thiết giáp. Huấn luyện binh chủng chuyên môn: gồm 14 quân trường và trung tâm là công binh, quân cụ, quân nhu, quân y, quân vận, quân cảnh, quân nhạc, quân báo Cây Mai, truyền tin, tổng quản trị, hậu cần - tài chính, sinh ngữ quân đội, binh xưởng quân khí, vận tải và thể dục quân sự.

        Huấn luyện quân chủ lực: gồm bảy trung tâm là Trung tâm huấn luyện Đống Đa (Vùng 1 chiến thuật), Trung tâm huấn luyện Lam Sơn (Vùng 2 chiến thuật), Trung tâm huấn luyện Quang Trung (Vùng 3 chiến thuật), Trung tâm huấn luyện Chi Lăng (Vùng 4 chiến thuật), Trung tâm huấn luyện Vạn Kiếp (vận tải), Trung tâm huấn luyện nữ quân nhân và Trung tâm huấn luyện biệt động quân (Dục Mỹ).

        Huấn luyện địa phương quân - nghĩa quân: gồm 16 trung tâm ở Thừa Thiên, Phù Cát, Quảng Ngãi, Bình Định, Nha Trang, Lây Cu, Đắc Lắc, Tuyên Đức, Phước Tuy, Tây Ninh, Cai Lây, Vĩnh Bình, Kiên Giang, Định Tường, Bạc Liêu, Bình Dương.

        c) Hệ thống các trường sĩ quan trực thuộc Tổng cục Quân huấn

        Trường cao đẳng Quốc phòng là nơi chuyên huấn luyện cán bộ cấp đại tá trở lên và công chức cao cấp đã tốt nghiệp khoá tham mưu cao cấp. Nội dung học bao gồm các kiến thức thuộc lĩnh vực quốc phòng và sách lược quốc gia.

        Các trường chỉ huy tham mưu cao cấp của lục quân, không quân, hải quân có nhiệm vụ đào tạo cán bộ cấp tiểu đoàn trưởng, trung đoàn trưởng và tham mưa trưởng sư đoàn; đào tạo cán bộ cấp tiểu đoàn và trung đoàn bộ binh. Bên cạnh đó là các trường chỉ huy tham mưu trung cấp của không quân, hải quân, lục quân (Thủ Đức) và các ngành chuyên môn; các khoá bổ túc của lực lượng không quân, hải quân, đại đội trưởng bộ binh và ngành chuyên môn khác.

        Thủ tục đào tạo từ tân binh, sĩ quan đến các chuyên viên được thực hiện như sau:

        Về mặt đào tạo, tất cả các quân nhân mới tuyển (sĩ quan hạ sĩ quan, binh sĩ, nữ quân nhân) đều phải học hết chương trình huấn luyện cơ bản của bộ binh rồi mới học tiếp các chương trình huấn luyện chuyên môn.

        Chương trình huấn luyện bộ binh ấn định cho từng đối tượng như sau: Đối với sĩ quan là tân binh - 33 tuần (trong đó có 9 tuần là chương trình huấn luyện tân binh và 24 tuần chương trình huấn luyện sĩ quan). Sĩ quan hiện dịch được đào tạo ở trường võ bị Đà Lạt các nội dung cơ bản về quân sự, văn hóa (tương đương chương trình đại học). Sau khi tốt nghiệp, những sĩ quan này có đủ phẩm chất và năng lực lãnh đạo, đồng thời trở thành những cán bộ huấn luyện quân sự giỏi.

        Đối với chương trình bổ túc, ngoài các khoa đào tạo trên nhằm mục đích duy trì khả năng chuyên môn và nâng cao kiến thức quân sự còn mở thêm các khoa sau đây: ngành chỉ huy tham mưu (có các lớp đại đội trương, liên đoàn trưởng, bộ binh cao cấp, chi huy và tham mưu cao cấp, cao đang quốc phòng); sĩ quan chuyên viên (gồm có sĩ quan quân báo, tài chính - hành chính, tiếp liệu và lớp căn bản tổng quản trị). Ngoài hệ thống các trường chỉ huy trong nước, quân đội Sài Gòn còn đưa học viên ra nước ngoài để đào tạo ở các trường (chủ yếu là Mỹ): sĩ quan chỉ huy tham mưu (Fort Leavenworth), bộ binh (F. Benning), thiết giáp (F. Knox), truyền tin (F. Monmouth), pháo binh (F. Sill), công binh (F. Belvoir), quân cảnh (F. Gordon), quân nhu (F. Loe), nữ quân nhân (F.Mac. Clelan), quân cụ (F. Aberden), quân vận  (F. Eustis), quân y (F. S. Houston), quân nhạc (F. Norfolk), chiến tranh chính trị (F. Bragg), tổng quản trị (F. Benjamin), tình báo cao cấp (F. Holabird), sinh ngữ (F.Lakland). Ngoài ra, các sĩ quan còn được gửi đi học ở trường tình báo (Nhật Bản); học về tác chiến trong rừng ở Malaisia, Singapore; trao đổi Anh ngữ ở Australia. 

Tổng cục Chiến tranh chính trị

        a) Nhiệm vụ, đối tượng của Tổng cục Chiến tranh chính trị
         Tổng cục Chiến tranh chính trị là cơ quan có chức năng xây dựng, bồi dưỡng và nâng cao "lòng trung thành" của các quân nhân thuộc Quán lực Việt Nam Cộng hoà đối với dân tộc, với “lý tưởng quốc gia" và đối với lãnh đạo chỉ huy của họ; là nơi tranh thủ và duy trì sự hợp tác của dân chúng; làm mất lòng tin và sự trung thành của sĩ quan, binh lính đối phương bị bắt hoặc chiêu hồi về chủ nghĩa cộng sản.

        Đối tượng chiến tranh chính trị của Quân lực Việt Nam Cộng hoà được chia ra từng loại như sau:

        Đối với quân đội: tất cả quân nhân và gia đình của quân chủ lực, địa phương quân và nghĩa quân.

        Đối với dân: tất cả mọi người dân bên này và bên kia vĩ tuyến 17, kể cả vùng bất an hay quốc gia bạn (Lào, Cam-pu-chia).

        Đối phương: Những người trong các tổ chức cách mạng, hoạt động cho tổ chức ở nội biên và ngoại biên, kể cả các quốc gia có cảm tình với miền Bắc xã hội chủ nghĩa.

        b) Tổ chức biên chế

        Chỉ huy cấp tổng cục có tổng cục trưởng, tổng cục phó, phụ tá đặc biệt cho tổng cục trướng, phụ tá đặc trách địa phương quân - nghĩa quân, phụ tá đặc trách kế hoạch, phụ tá đặc trách tù binh kiêm chủ tịch Uỷ ban trung ương cứu xét thỉnh nguyện của tù binh.

        Cơ quan văn phòng.

        Cơ quan văn phòng Tổng cục Chiến tranh chính trị được tổ chức thành các khối:

        Khối tổ chức: gồm có Phòng huấn luyện; Phòng nghiên cứu tổ chức; Phòng nhân viên; Uỷ ban phối hợp yểm trợ tiền tuyến và Ban hướng đạo sinh.
        Khối ngân sách: có Phòng mãi ước.
        Khối thể dục thể thao: có các cố vấn Nam Triều Tiên giúp đỡ
        Khối tù binh vụ: có cơ quan phóng thích tù binh.
        Khối thông tin giao tế dân sự: phụ trách một số tờ báo, trong đó có Toà soạn báo Tiền tuyến và Phòng thông tin.
        Khối kế hoạch: gồm có Phòng kế hoạch, Phòng binh - vận, Phòng địch vận, Phòng dân vận xã hội.
        Khối hành chính.

        Cục Chỉnh huấn:

        Cục Chỉnh huấn có nhiệm vụ hướng dẫn thiết kế, yểm trợ, giám sát, theo dõi, đánh giá, báo cáo việc thực hiện công tác giáo dục chính trị, thông tin nội bộ, sinh hoạt văn hóa tinh thần (trong đó có thể dục thể thao), phong trào xây dựng đơn vị, công tác thi đua...

        Cục Chỉnh huấn được tổ chức thành các khối: kế hoạch, sinh hoạt lãnh đạo, giáo dục; Phòng chỉnh huấn địa phương quân - nghĩa quân và Trung tâm huấn luyện cán bộ chiến tranh chính trị. 

        Cục Tâm lý chiến:

        Cục Tâm lý chiến có nhiệm vụ hướng dẫn thiết kế, yểm trợ giám sát, theo dõi, đánh giá, báo cáo thực hiện công tác dân vụ (kể cả thông tin báo chi), địch vận và yểm trợ công tác của cơ quan chỉnh huấn, xã hội, tuyên uý, an ninh.

        Cục Tâm lý chiến được tổ chức thành các khối: kế hoạch, hành chính, kỹ thuật (Đài phát thanh quân đội, Đài phát thanh tuyến Phú Thọ, Phòng vô tuyến truyền hình quân đội Phòng báo chí, Phòng ấn họa và Phòng văn nghệ), khối tình báo tâm lý chiến có phòng sưu tầm, kế hoạch, công tác.

        Cục An ninh:

        Cục An ninh có nhiệm vụ hướng dẫn, thiết kế, yểm trợ, giám sát, theo dõi, báo cáo việc thực hiện công tác điều chỉnh an mình, cơ cấu và tin tức quân sự mật, bảo vệ tinh than quân sĩ, chống phiến động, phá hoại, gián điệp, binh vận.

        Biên chế tổ chức của cục bao gồm các khối:

        Khối yểm trợ: quân số 50 người, có ba phòng (nhân viên, tiếp vận, tài chính) và hai ban (quân y và thông tin);

        Khối giám sát: quân số 60 người, có ba phòng (giám sát quân kỳ, giám sát chiến lực và thị đốc).

        Khối phản tình báo: quân số 200 người, có nhiệm vụ bảo đảm an ninh nhân viên, an ninh cơ sở, an ninh tài liệu, chống công tác binh vận một trong ba mũi giáp công của lực lượng cách mạng), theo dõi nhân viên ngụy có nghi ngờ làm cơ sở cho cách mạng hoặc do đối phương cài vào. Khối phản tình báo được tổ chức thành bốn phòng là Phòng sưu tầm có văn khố riêng giữ "hồ sơ chết" gồm những người khả nghi là có kế hoạch phản tình báo (có Ban sưu tầm chuyên lập lưới mật báo viên tại các đơn vị quân đội để theo dói các hoạt động binh vận của đối phương và ban khai thác hỏi cung những cán bộ cách mạng bị bắt liên quan đến binh vận); Phòng điều hành; Phòng khai thác và Phòng "bốn bên".

        Khối phòng gian bảo mật: quân số 100 người, có bốn phòng là Phòng kế hoạch, Phòng phòng gian, Phòng bảo mật, Phòng văn khố (hồ sơ nổi).

        Khối an ninh quân đội địa phương quân - nghĩa quân.

        Ngoài ra, Tổng cục Chiến tranh chính trị còn có một số cơ quan khách như Cục Xã hội, Nha Tuyên uý (phật giáo, công giáo, tin lành), Trường đại họe Chiến tranh chính trị, Trường Xã hội quân đội, Trung tâm huấn luyện cán bộ chiến tranh chính trì và năm tiểu đoàn chiến tranh chính trị ở bốn vùng chiến thuật và Biệt khu Thủ đô.

e) Các trung tâm kỹ thuật của Phòng 7

        Bốn trung tâm kỹ thuật của Phòng 7 bao gồm:

        Trung tâm kỹ thuật 1 - Đà Nẵng: quân số 306 người, phụ trách việt theo dõi các mục tiêu của đối phương ở miền Bắc, Quân khu 4, Quân khu 5, Mặt trận B4; Quân đoàn 1 và 2; Sư đoàn bộ binh 2, 3; các đơn vị liên quan đến Vùng 1 chiến thuật.

        Trung tâm kỹ thuật 2 - Pleiku: quân số 280 người, theo dõi các mục tiêu ở Quân khu 6, 7; Mặt trận B3; các Sư đoàn bộ binh 10, 320, 698; Trung đoàn phòng không 271; các đơn vị có liên quan đến Vùng 2 chiến thuật.

        Trung tâm kỹ thuật 3 - Sài Gòn: quân số 274 người, theo dõi Bộ Tư lệnh R (Trung ương Cục miền Nam); Quân khu Sài Gòn - Gia Định; Quân đoàn 4...; Bộ chỉ huy Công binh M25, Bộ chỉ huy Đặc công M27; Sư đoàn phòng không 377, sư đoàn pháo binh 75; Sư đoàn bộ binh 5, 6, 7, 9 và các đơn vị có liên quan đến Vùng 3 chiến thuật.

        Trung tâm kỹ thuật 4 - Cần Thơ: quân số 199 người, theo dõi Quân khu 8, 9; Sư đoàn bộ binh 4, 8, 341 và các đơn vị có liên quan đến Vùng 4 chiến thuật, ... Ngoài ra, còn có các trung tám kỹ thuật chi nhánh ở Sông Mao, Vũng Tàu. Trong mỗi trung tâm kỹ thuật được biên chế bảy ban là Ban 1 (kiểm thính), Ban 2 (trắc giác), Ban 3 (giải tích), Ban 4 (mã thám), Ban 5 (tư liệu), Ban 6 (kiểm dịch), Ban 7 (liên lạc).

        Nhiệm vụ của các trung tâm kỹ thuật chủ yếu là đại diện cho Phòng 7 tại các bộ tư lệnh quân đoàn - vùng chiến thuật về các vấn đề kỹ thuật tình báo truyền tin; phối hợp với các phòng của bộ tư lệnh quân đoàn - vùng chiến thuật thực hiện kế hoạch sưu tầm tin tức về chuyên môn như khai thác các đài M theo chỉ thị của Phòng 7 và theo các yếu tố kỹ thuật do Đơn vị 15 cung cấp; phối trí với các toán kiểm thoại lưu động theo yêu cầu mới của quân khu; phối hợp với Đơn vị 17, liên lạc với phi cơ không vô tuyến trắc giác trong việc định vị mục tiêu; khai thác các yếu tố kỹ thuật do các biệt đội kỹ thuật báo cáo để thông báo cho các biệt đội kỹ thuật sử dụng; giám sát hoạt động kỹ thuật của các biệt đội kỹ thuật trong phạm vi vùng chiến thuật.

        g) Các biệt đội kỹ thuật cấp sư đoàn bộ binh

        Quân số mỗi biệt đội cấp sư đoàn tử 50 đến 60 người, có nơi lên tới 80 đến 100 người, trong đó có hai mã thám viên.

        Các biệt đội kỹ thuật cấp sư đoàn có nhiệm vụ kiểm thính các mục tiêu theo chỉ thị của Đơn vị 15, 17; khai thác các điện văn thu được làm bản tin kỹ thuật báo cáo lên sử đoàn; lập hồ sơ yếu tố kỹ thuật cung cấp cho các toán hành quân; tổ chức các toán kiểm thoái hành quân tăng phái cho các chiến đoàn hành quân, tiểu khu hành quân để sưu tầm và cung cấp tin cho chiến đoàn.

        Mỗi biệt đội kỹ thuật cấp sư đoàn có từ 2 đến 4 toán hành quân (mối toán 2 đến 8 người với 2 đến 4 máy); trung đội kiểm thính (quân số 40 người); trung đội trực giác (quân sổ 10 người) và các toán mã thám (4 người), giải tích (7 người), sửa chữa (3 người), liên lạc (11 người).

        Như vậy, có thể nói công tác tình báo truyền tin của Mỹ từ năm 1965 đã hoàn toàn chú trọng vào các hoạt động của các hợp đài vô tuyến điện của các đơn vị Quân giải phóng và Quân đội nhân dán Việt Nam nên kết quả rất khả quan, nhanh chóng và cụ thể. Tuy nhiên, Mỹ đã giấu kín được khả năng giải mã của mình và giải đoán liên lạc truyền tin qua các hợp đài vô tuyến điện của đối phương. Bên cạnh đó, công tác tình báo về không ảnh và hồng ngoại tuyến của Mỹ rất mạnh, có thể chụp cả vào lúc trời sắp tối và sau đó sẽ phát hiện dấu vết để lại của các đơn vị vận tải của đối phương di chuyển trong đêm hôm trước. Phim ảnh do các máy hồng ngoại tuyến, không kể đêm tối và lá ngụy trang, đều ghi nhận được các dấu tích trên mặt đất và địa đạo có người hay quân dụng.

        Từ năm 1967 trở đi, Mỹ mới bắt đầu huấn luyện kiểm dịch, sử dụng nhân viên người Việt để khai thác các băng thu phát ở Phú Bài và được đi cùng với các đơn vị lính thuỷ đánh bộ Mỹ để kiểm thoại. Mỹ thường sử dụng các loại máy thu và máy ghi âm đặc biệt để ghi lại những liên lạc âm thoại của các đơn vị Quân giải phóng và Quân đội nhân dân Việt Nam hoạt động ở trên đường mòn Hồ Chí Minh, các liên lạc siêu tần số giữa các tỉnh Bắc Việt Nam. Đầu năm 1973, Mỹ yêu cầu Phòng 7 gửi các kiểm dịch viên sang làm việc tại trạm kiểm thính ở Thái Lan để thay kiểm dịch viên của Mỹ đang chuẩn bị rút về nước. Đồng thời, Mỹ cũng tăng cường sử dụng không vô tuyến trắc giác thay cho các đài cố định trên mặt đất và thu băng các đài vô tuyến điện của Quân giải phóng và Quân đội nhân dân Việt Nam bằng máy bay.
Tổng cục Tiếp vận

        a) Nhiệm vụ

        Tổng cục Tiếp vận là nơi nghiên cứu chính sách, đường lối và hoạch định chương trình tiếp vận cho toàn thể Quân lực việt Nam Cộng hòa và các lực lượng khác khi được chỉ định; là nơi xem xét và giải quyết các vấn đề liên quan đến tiếp vận, bảo toàn, chuyển vận, y tế, địa ốc, kiến tạo, dịch vụ; soạn thảo và phổ biến các kế hoạch tiếp vận liên quan đến cả việc ấn định trách nhiệm tiếp vận cho mỗi quân binh chủng; trù liệu việc phân phối tài nguyên quốc gia (vật lực) khi động viên nhám thỏa mãn nhu cầu quân lực; đôn đốc và điều hành công tác tiếp vận tại đơn vị, phối trí tham mưu để thiết lập các kế hoạch tiếp vận và giám sát các hoạt động tiếp vận cho toàn thể quân lực; tập trung và cứu xét các dự án ngân sách của các cục tiếp vận các quán đoàn, vùng chiến thuật; đồng thời hướng dẫn hoặc cho ý kiến liên quan đến các thủ tục thi hành ngân sách của cục tiếp vận; tập trung và đệ trình dự án quân số của ngành tiếp vận, giám sát và điều hoà nhân viên và quân số các cơ quan, đơn vị trực thuộc.

        b) Tổ chức biên chế các cơ quan Tổng cục Tiếp vận

        Chỉ huy cao nhất của cơ quan Tổng cục Tiếp vận là tổng cục trưởng kiêm tham mưu phó tiếp vận thuộc Bộ Tổng tham mưu. Bên cạnh đó là các tổng cục phó, tham mưu trưởng tổng cục, phụ tá địa phương quân - nghĩa quân, phụ tá không quân, hải quân.

        Các cơ quan trực thuộc tổng cục bao gồm các sở:

        Sở Nhân huấn: được tổ chức thành ba phòng là Phòng nhân viên (trong đó có Ban bổ nhiệm); Phòng huấn luyện (có Ban phối hợp huấn luyện, Ban kế hoạch nghiên cứu) và Phòng tổng vụ.

        Sở Điều hoà vận chuyển: có Phòng điểu hoà (dưới phòng là Ban di chuyển nhân viên, Ban di chuyển quân dụng, Ban ngân sách, Ban nghiên huấn); Phòng thuỷ bộ (gồm Ban thuỷ vận, Ban bộ vận, Ban biển và phương tiện, Ban điều hành); Phòng không vận.

        Sở Tài chính: có Phòng hành chính binh đoàn, Phòng thực hiện, Phòng ngân sách.

        Sở Kế hoạch chương trình: gồm Phòng chương trình, Phòng kế hoạch, Phòng tổ chức, Phòng tổ chức bảng cấp số.

        Sở Tiếp liệu bảo toàn: gồm Phòng phân phối, Phòng bảo toàn, Phòng nhu cầu. Trong Phòng nhu cầu có Ban vũ khí nặng, Ban công binh, Ban truyền tin, Ban quân y, Ban quân nhu, Ban quân xa, Ban đạn dược hóa chất, Ban chiến lợi phẩm, Ban kiểm soát bảo toàn, Ban thống kê, Ban dự trữ.

        Sở phát triển căn cứ: gồm Phòng tân công tác; Phòng căn cứ, kiều lộ; Phòng tu bổ; Phòng địa ốc.

        Uỷ ban kiến tạo gia cư quân đội: có Phòng địa ốc, tạo tác, Phòng kế toán tài chính và Phòng tiếp liệu.

        Uỷ ban liên bộ địa ốc: có Phòng hành chính pháp quy và Phòng điều hoà công tác.

        Trung tâm quản trị quân dụng: có khối tiếp liệu (trong đó có Phòng điều hoà tiếp liệu và Ban cơ vận thay thế); khối vật liệu thượng đẳng; khối kế hoạch; khối kiểm kê; khối yểm trợ.

        Ngoài ra, Tổng cục Tiếp vận Quân lực việt Nam Cộng hoà còn có một số các uỷ ban trực thuộc như Uỷ ban binh thư tiếp vận, Uỷ ban quản trị kế hoạch ENHANCE (được Mỹ tăng cường vũ khí cho quân đội Sài Gòn khi thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”), Uỷ ban nghiên cứu cải cách tiếp vận Pát Phin-đơ (Path Finder - người tìm đường), công xưởng lục quân.

        c) Tổ chức bộ chỉ huy tiếp vận các vùng chiến thuật và Biệt khu Thủ đô

        Quân đội Sài Gòn tổ chức hệ thống tiếp vận toàn quân thành năm ban chỉ huy tiếp vận ở bốn vùng chiến thuật và Biệt khu Thủ đô: Ban chỉ huy tiếp vận 1, 2, 3, 4 và Ban tiếp vận Biệt khu Thủ đô.

        Riêng Ban chỉ huy tiếp vận 3 (Long Bình) được tổ chức thành hai khối và một trung tâm: Khối kế hoạch - huấn luyện (dưới khối là năm phòng: tiếp liệu bảo toàn, vận chuyển, phát triển nghiên cứu, hành chính mãi ước và tổng quản trị); khối chiến tranh chính trị và Trung tâm yểm trợ không quân. Bộ chỉ huy căn cứ đồng tại Long Bình.

        d) Tổ chức điều hành tiếp vận ở cấp quân khu, quân đoàn, sư đoàn

        Phụ trách tiếp vận ở các quân khu, quân đoàn, sư đoàn có nhiệm vụ dự trù, thực hiện phân phối, tồn trữ bảo toàn, di tản kiểm soát quân trang, quân dụng, thực phẩm; xây cất trưng dụng, tu bổ và cư trú; chuyển vận; tản thương, điều trị, mai táng.

        Hoạt động tiếp vận trên chiến trường gồm các công việc như sau: tiếp liệu, tản thương và điều trị, chuyển vận, công dịch và bảo toàn do một số ban phụ trách như Ban nhân viên. Ban tiếp vận, Ban chuyển vận và Ban địa ốc.

        Bộ phận tiếp vận ở các cấp quân khu, quân đoàn, sư đoàn là nơi tiếp hếu (đưa công tác quân dụng từ kho đến nơi tiêu thụ hàng) và phân loại các mặt hàng: Loại I chi vật dụng cho người và súc vật tiêu thụ gồm thực phẩm các loại; loại II gồm quân trang, quân dụng trang bị cho binh sĩ và các đơn vị có trong bảng cấp số; loại III cung cấp nhiên liệu và hợp chất tương ứng cho động cơ quân xa, cơ giới (ngoại trừ hóa chất cho súng phun lửa) ; loại IV bao gồm tất cả các quân dụng cấp phát thêm ngoài bảng cấp số cho binh sĩ hoặc đơn vị để thỏa mãn nhu cầu chiến đấu (dây thép gai, máy kéo...); loại V gồm đạn dược (lựu đạn, chất nổ, mìn, hóa chất phun lửa...).
        Trong tiến công, các sư đoàn bộ binh thường tổ chức các tiểu đoàn tiếp vận có khả năng lưu động để yểm trợ cho sư đoàn hoặc các trung đoàn, vì ngoài các thành phần yểm trợ cố định còn có các đơn vị lưu động (trung đội tiếp liệu, toán tiếp liệu loại IV, trung đội bảo toàn, toán thu nhặt thi hài...).
        Trong phòng ngự, quân đội Sài Gòn thường tiếp vận trong thế thủ và đều dựa vào khả năng tiếp vận diện địa.